Nếu bạn chuẩn bị tốt nghiệp, hoặc bạn đã tốt nghiệp và đang tìm việc, có thể bạn hiểu rất rõ việc phải dành nhiều thời gian để gây dựng các mối quan hệ. Nhưng có thực bạn đã hiểu đúng về việc này không?
Có không ít người vốn tính nhút nhát cho rằng, việc gây dựng quan hệ chỉ là lợi thế của những người lịch thiệp, mạnh mẽ và hướng ngoại, những điều có lẽ tính cách họ không phù hợp.
Nhưng sự thật không phải thế. Gây dựng quan hệ là điều dành cho bất cứ ai. Nếu bạn là người cởi mở, tin cậy và sẵn sàng bỏ ra những nỗ lực để gây dựng quan hệ, chắc chắn bạn sẽ thành công. Đây là sự thật, bất kể bạn đến từ đâu và tính cách bạn như thế nào.
Và đây là 5 lầm tưởng đáng kể của một số người về việc gây dựng quan hệ trong cuộc sống cũng như công việc:
Tạo quan hệ là làm phiền người khác
Bạn cảm thấy ra sao nếu ai đó gửi cho bạn email và bảo rằng anh/chị ta rất ngưỡng mộ bạn, muốn hỏi xin bạn vài lời khuyên để có thể được như bạn trong tương lai? Bạn sẽ giận dữ ư? Hay bạn cảm thấy phiền toái?\
Tất nhiên là không rồi. Sự thật, khi được thực hiện một cách đúng đắn và chân thành, việc tạo dựng quan hệ rất dễ chịu với người khác. Tất nhiên, điều này không có nghĩa ai cũng sẽ nồng nhiệt chào đón mong muốn được làm quen của bạn, nhưng đa số họ (nhất là những người thành công) đều muốn chia sẻ bí quyết và gắn kết với những người đồng quan điểm sống.
Bạn hãy tìm hiểu thật kỹ thông tin trước khi gặp gỡ ai đó để có thể hỏi họ những vấn đề cụ thể về công việc họ đang làm, những mục tiêu cũng như mơ ước của họ trong tương lai. Làm như vậy, ngay lập tức, bạn sẽ nổi bật giữa một đám những người muốn gây dựng quan hệ “phiền phức” theo cách chỉ đơn giản là “thấy người sang muốn bắt quàng làm họ”.
Gây dựng quan hệ là giả tạo
Bằng việc gây dựng quan hệ với những người trong lĩnh vực công nghệ tiếp thị thể thao từ khi còn là sinh viên, Pete Leibman, tác giả cuốn sách Tôi đã tìm được công việc mơ ước và bạn cũng thế: 7 bước tạo nên một sự nghiệp lý tưởng sau khi tốt nghiệp đại học đã có được cuộc phỏng vấn riêng với vị chủ tịch tập đoàn này để viết bài cho trang web NBA ngay trước khi tốt nghiệp. Và sau đó một tuần thì chính tập đoàn đó đã mời Pete Leibman vào làm việc chính thức.
Dù vậy thì khi tham gia ứng tuyển ở một chi nhánh khác của tập đoàn, nhà tuyển dụng không nói, “À, anh chính là người đã được một trong các tổng giám đốc điều hành cũ của chúng tôi giới thiệu hả? Vậy thì chúng tôi không cần phải phỏng vấn nữa. Anh đã được nhận vào!”.
Trên thực tế họ đã nói: “Anh có quen với một trong những tổng giám đốc điều hành cũ của chúng tôi phải không? Nếu vậy, chúng tôi sẽ xem xét hồ sơ xin việc của anh và cho anh cơ hội dự phỏng vấn để thuyết phục chúng tôi vì sao nên tuyển dụng anh”.
Gây dựng quan hệ không phải là cách để bạn lạm dụng sự quen biết. Bạn phải tạo thêm được giá trị cho những con người và tổ chức bạn tham gia, còn không, mọi quan hệ bạn có được đều vô nghĩa. Sẽ không có bất cứ điều gì phi đạo đức trong việc tạo dựng quan hệ có thể giúp bạn thành công.
Gây dựng quan hệ chỉ là vấn đề bạn biết những ai
Đây là quan niệm hết sức sai lầm bởi nó thực sự đã “rẻ rúng” tầm quan trọng của việc bạn thể hiện bản thân đúng đắn và gây dựng các mối quan hệ chân thành.
Sự thật, điều cốt yếu trong việc gây dựng quan hệ là sẽ có những ai yêu quý và tôn trọng bạn. Có sự khác biệt rất lớn giữa việc bạn biết ai (hay để ai đó “biết” bạn) với việc bạn sẽ khiến ai đó yêu quý và tôn trọng bạn.
Trước khi làm việc cùng bạn hoặc giới thiệu bạn với ai khác, một người thành công chắc chắn sẽ tự hỏi mình một cách có ý thức hoặc vô thức rằng, “tôi có yêu quý và tôn trọng người này tới mức phải lấy cả danh dự của mình để làm việc cùng hay giới thiệu với ai đó mà tôi tin tưởng không?”
Nếu câu trả lời là “không”, chắc chắn, những quan hệ bạn có là vô nghĩa. Tuy nhiên, nếu câu trả lời là “có”, một ứng viên trẻ có thể khai thác bất cứ “kho thông tin” nào họ muốn.
Bạn càng tham dự nhiều cuộc gặp gỡ càng tốt
Không phải mọi cuộc gặp gỡ đều có tầm quan trọng như nhau. Cũng giống như việc, số lượng các quan hệ không quan trọng bằng chất lượng những tình thân thiết bạn có, số lượng các cuộc gặp gỡ không quan trọng bằng chất lượng của chúng.
Nói cách khác, việc bạn tham gia một cuộc gặp gỡ có tính mục đích cao sẽ hiệu quả hơn nhiều 10 cuộc hội họp chung chung khác. Tất nhiên, việc biết những người mới luôn thú vị, nhưng cũng có không ít cuộc gặp chỉ lãng phí thời gian.
Có những cuộc gặp gỡ tốt nhất lại thường không được định danh rõ ràng là “những sự kiện kết nối”. Các sự kiện để bạn có thể gặp gỡ, làm quen thường tụ hội rất nhiều doanh nghiệp và ứng viên. Nhưng đôi khi, cơ hội để bạn “kết nối” chỉ là các cuộc hội thảo nghề nghiệp hay những sự kiện mà ở đó, những người thành công và có chung quan điểm với bạn sẽ tham gia vì sự phát triển nghề nghiệp của chính họ.
Gây dựng quan hệ chỉ dành cho những người hướng ngoại
Sự thành công trong việc gây dựng quan hệ phụ thuộc vào chiến lược chứ không phải tính cách của bạn. Trên thực tế, rụt rè xấu hổ có khi lại một lợi thế trong việc làm quen với người khác.
Khi ai đó có xu hướng hướng nội, bạn hãy chủ động giúp họ làm quen và tạo cách để họ có thể nói về mình nhiều hơn.
Và bạn sẽ nhận ra một điều khá thú vị, khi bạn tập trung vào người khác (thay vì cứ nói về mình), mọi người sẽ quý mến bạn hơn và mong muốn được cộng tác với bạn nhiều hơn về sau.
Theo Dantri