Cuộc chiến bán lẻ ở Việt Nam và những con cá mập

Cuộc chiến bán lẻ đến hồi gay cấn khi chỉ trong nửa đầu tháng 3/2012, ba “con cá mập” lớn của nước ngoài, gồm: Takashimaya, Aeon và Temasek công bố các dự án đầu tư vào Việt Nam.
Như vậy, tính đến tháng 3/2012, đã có khoảng 20 tập đoàn bán lẻ hàng đầu của các nước đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó, tình hình kinh doanh của các nhà bán lẻ trong nước lại chưa hẳn đã xuôi chèo mát mái.
Ngoại xốc tới
Đầu tháng 3/2012, một “cá mập” trong làng bán lẻ thế giới – Takashimaya Singapore – cam kết thuê khoảng 15.000 mét vuông sàn bán lẻ tại 5 tầng của giai đoạn 2 dự án Saigon Centre. Lý do vào thị trường Việt Nam, theo bà Yoko Yasuda, Giám đốc điều hành Takashimaya Singapore, là thị trường bán lẻ Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển sôi động với nhóm người tiêu dùng có thu nhập trung bình ngày càng tăng.
Một nhà bán lẻ tên tuổi khác, Tập đoàn Aeon Nhật Bản, cũng chính thức tham gia hoạt động tại thị trường Việt Nam qua việc khai trương Công ty trách nhiệm hữu hạn Aeon Việt Nam vào ngày 2/3/2012. Dự kiến, tháng 9 tới, công ty này sẽ xây dựng Trung tâm thương mại Aeon – Tân Phú Celadon tại quận Tân Phú với vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD. Ông Motoya Okada, Giám đốc điều hành của Aeon Group nhận định, Việt Nam đang thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài và sẽ là một trong những trọng tâm phát triển của châu Á. Phân khúc khách hàng mà tập đoàn hướng tới là tầng lớp người dân có thu nhập trung bình. Dự kiến đến năm 2020, Aeon sẽ xây dựng khoảng 20 trung tâm bán lẻ nữa tại các vùng miền của Việt Nam. Còn Malaysia có dự án “đại siêu thị” (shopping mall) Platinum Plaza, do Tập đoàn WCT đầu tư với tổng vốn 600 triệu USD tại Bình Chánh.
Đáng lưu ý, nhiều nhà bán lẻ nước ngoài lựa chọn con đường hợp tác với doanh nghiệp trong nước. Bà Nguyễn Thị Tranh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Saigon Co-op (SCID) cho biết, dự án khu trung tâm thương mại phức hợp có qui mô lớn nhất Việt Nam với diện tích rộng hơn 4ha vừa khởi công tại phường Tân Phong, Q7, TP.HCM là do SCID hợp tác với công ty đầu tư Mapletree (thành viên của Tập đoàn Temasek Holding) thực hiện nhằm khai thác nhu cầu mua sắm, ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí của người dân TP.HCM cũng như người nước ngoài đang sinh sống tại thành phố này.
Tương tự, E-Mart – Tập đoàn bán lẻ lớn của Hàn Quốc – cũng đã vào Việt Nam thông qua việc thiết lập một liên doanh với Tập đoàn U&I của Việt Nam có trụ sở tại Bình Dương. Liên doanh E-Mart Việt Nam có vốn đầu tư ban đầu 80 triệu USD và có kế hoạch mở chuỗi 52 siêu thị đến năm 2020. Nhà bán lẻ Mitsukoshi Isetan Holdings (Nhật Bản) cũng đang tìm hiểu về việc phát triển chi nhánh ở Việt Nam. Nhìn lại thị trường bán lẻ, có thể thấy Việt Nam đã có hàng loạt siêu thị của các đại gia bán lẻ như: Big C, Metro Cash & Carry, Giant, Lottemart, Familymart, Daiso, Circle- K, Guardian…
Khai thác triệt để thị trường
E-Mart – nhà kinh doanh bán lẻ tổng hợp có thế mạnh về các mặt hàng thực phẩm và nông thủy sản tươi sống – ngay trong hợp tác ký kết ban đầu với đối tác trong nước, đã có kế hoạch đưa các mặt hàng tại Việt Nam vào hệ thống hơn 150 E-Mart ở các nước khác.
Tập đoàn Aeon khi vào Việt Nam cũng nhắm đến việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam và thúc đẩy việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Nhật Bản. Ngay khi ra mắt thị trường Việt Nam, ông Nishitohge Yasuo, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam đã cho biết, hơn 1/3 số mặt hàng trong 130 cửa hàng bán lẻ sẽ dành cho các thương hiệu của Nhật Bản. Việc khai thác đa chiều này đã được các tập đoàn nước ngoài vào Việt Nam trước đó thực hiện dưới nhiều hình thức. Tháng 9/2011, Metro Cash & Carry đã tổ chức Tuần lễ sản phẩm Đức để xây thương hiệu cho doanh nghiệp Đức tại Việt Nam. Trong năm 2011, Big C đã xuất khẩu khoảng 21 triệu USD các sản phẩm của Việt Nam ra nước ngoài, tăng khoảng 20% so với năm 2010. Trong đó, tăng mạnh nhất là các mặt hàng thực phẩm chế biến từ cá basa, tôm, gạo, cà phê, hoặc chế biến sẵn như tương ớt, mít sấy… với tổng cộng 165 sản phẩm của 19 nhà cung cấp, đạt kim ngạch 10 triệu USD. Kế đến là nhóm hàng vải sợi với khoảng 400 kiểu từ 11 nhà cung cấp, đạt 8 triệu USD. Và cuối cùng là hàng bách hóa với các sản phẩm hàng gia dụng, thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất…
Hệ thống Lotte Mart Hàn Quốc cũng đang khai thác thị trường theo hướng này. Cụ thể tại các siêu thị Hàn Quốc ở Q.7 và Q.11, TP.HCM, sản phẩm của doanh nghiệp Hàn Quốc luôn được chiếm vị trí ưu tiên trên quầy kệ. Cũng thông qua Lotte Mart, nhiều mặt hàng gia vị, thực phẩm chế biến, gia dụng, đồ dùng nhà bếp… của Hàn Quốc có cơ hội tiếp cận với người tiêu dùng và cũng từ đó tìm đường phân phối rộng hơn ra mạng lưới bán lẻ bên ngoài.
Ở chiều ngược lại, siêu thị Lotte Mart đã đưa hàng Việt Nam vào 97 siêu thị ở Hàn Quốc, chiếm khoảng 15% trong cơ cấu hàng nhập khẩu bày bán tại các siêu thị Lotte Mart Hàn Quốc. Dự kiến Lotte Mart sẽ tiếp tục đưa hàng Việt Nam sang 94 siêu thị tại Trung Quốc và 28 siêu thị tại Indonesia.
Những cuộc chia tay ngậm ngùi
Tuy nhiên, trong khi những nhà bán lẻ quốc tế đang hăng hái đổ bộ vào thị trường Việt Nam thì cũng có những siêu thị bán lẻ âm thầm đóng cửa. Cuối tháng 2/2012, Fivimart quận 7 đã đóng cửa siêu thị của mình, gây bất ngờ đối với một số nhà cung cấp. Nhưng đối với nhiều người trong giới kinh doanh bán lẻ, đây là điều sớm muộn cũng phải xảy ra, bởi trước đó hệ thống này đã lần lượt đóng cửa năm siêu thị của mình tại thị trường miền Nam. Nhiều người cho rằng, thất bại của Fivimart ở phía Nam có thể mang yếu tố vùng miền, vì hiện Fivimart tương đối thành công tại thị trường phía Bắc với 13 siêu thị. Tuy nhiên, một chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ cho rằng, mô hình hoạt động của siêu thị này mới là nguyên nhân chính. Fivimart đã lựa chọn phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình khá và cao cấp nên phần nào hạn chế khách mua sắm. Đa số hàng hóa bày bán tại siêu thị là hàng nhập khẩu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng cao cấp, tiện lợi hơn là thiết yếu. Trong khi phần lớn người dân tìm đến siêu thị hiện nay là để mua các mặt hàng thiết yếu, sau đó mới đến sắm sửa hàng cao cấp hơn. Thời gian gần đây, Fivimart phải chia sẻ thị phần với các siêu thị lân cận như: Lottemart, Citimart… trong khi chi phí thuê mặt bằng, nhân sự, kho bãi… tăng cao. Việc điều hành từ xa (Ban Giám đốc ở phía Bắc) cũng hạn chế phần nào tính cạnh tranh của siêu thị.
Co.op Mart với 56 siêu thị trải dài trên 32 tỉnh thành năm qua cũng đã phải đóng cửa 3 siêu thị. Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do bị lấy lại mặt bằng, nhưng cũng một phần do hoạt động không hiệu quả. Hiện nay cả ba siêu thị này đang làm thủ tục giải thể, tiến hành quyết toán thuế và các vấn đề liên quan. Ông Nhân cho hay, trước khi mở một điểm mới, siêu thị có hẳn một bộ phận khảo sát địa bàn, thu nhập thông tin thị trường, thói quen tiêu dùng của người dân… để từ đó có chiến lược cung ứng mặt hàng phù hợp, tuy nhiên cũng có trường hợp không thành công vì yếu tố khách quan…
Trước đó không lâu, siêu thị Hà Nội trên đường Phan Đăng Lưu (Q.Phú Nhuận) cũng phải nói lời chia tay với thị trường, còn siêu thị Satra Bàu Cát phải chuyển nhượng cho một nhà bán lẻ khác. Năm 2011 cũng chứng kiến không ít siêu thị mini ngậm ngùi đóng cửa, trả mặt bằng vì không chịu nổi chi phí, kinh doanh lỗ lã, đặc biệt là các siêu thị mở trong khu chung cư, tòa nhà cao tầng.
“Khéo co thì ấm”
Trong biểu đồ miêu tả các giai đoạn phát triển thị trường bán lẻ tại một quốc gia của Công ty A.T Keaney, thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nằm trong giai đoạn phát triển “thịnh vượng”. Ở “thời kỳ vàng” này, người tiêu dùng đang tìm kiếm, làm quen với những mô hình mua sắm mới và háo hức khám phá các nhãn hàng quốc tế. Các khu vực bán lẻ đang dần hình thành và quỹ mặt bằng để cho thuê bán lẻ còn dồi dào. Ông Trần Thanh Nhàn, Phó Tổng giám đốc Vinatexmart, rất lạc quan với tốc độ phát triển bình quân 67%/năm như hiện nay. Vinatexmart đang đẩy mạnh đàm phán thuê mặt bằng tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, nhắm vào phân khúc thu nhập thấp và trung bình. Tuy nhiên, trong bối cảnh quỹ đất thành phố ngày càng hẹp, rất khó tìm được một mặt bằng rộng hàng ngàn mét vuông, nên xu hướng phát triển sẽ đa dạng, không chỉ mở siêu thị lớn mà còn phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi, diện tích vừa phải. Còn ông Ngô Văn Hải, Phó Tổng giám đốc hệ thống Citimart cho rằng, yếu tố quyết định sự sống còn của một điểm bán hàng chính là vị trí và giá thuê. “Đầu tư siêu thị lớn cần nhiều vốn, thời gian thu hồi lâu, trong khi một siêu thị quy mô từ 800-1.000m2 vừa có thể đi sâu vào khu vực dân cư, chi phí cũng thấp”, ông Hải chia sẻ. Citimart cũng đi theo mô hình thuê lại những mặt bằng có sẵn diện tích từ vài trăm đến trên 1.000m2 trong những chung cư, tòa nhà lớn. Hiện tại Citimart đã phát triển khoảng 30 điểm bán. Cuối tháng 3/2012, Citimart sẽ tiếp nhận lại mặt bằng từ siêu thị Welcome thuộc tập đoàn Dairy Farm (Singapore) để phát triển mạng lưới của mình.
Xuất phát từ nhận định người tiêu dùng Việt Nam thường vào siêu thị chọn mua hàng thiết yếu, giá rẻ sau đó mới chuyển sang sắm sửa vật dụng khác, siêu thị Co.opMart Cần Giờ vừa được khai trương có diện tích khu tự chọn không quá 500m2, phục vụ dân cư thu nhập thấp nên hàng hóa chủ yếu là hàng thiết yếu, gia dụng. Để tiết kiệm chi phí quản lý, các siêu thị nhỏ của Co.opMart hiện nay được ghép chung với siêu thị lớn cùng tuyến để chia sẻ nhân sự, nguồn hàng hóa, hỗ trợ dịch vụ hậu cần… “Muốn kinh doanh siêu thị hiệu quả phải đầu tư phát triển thành chuỗi, vì vậy mục tiêu quan trọng của các siêu thị bao giờ cũng là mở thêm bao nhiêu điểm bán trong năm tới. Nhưng đối với mô hình chuỗi thì phải đảm bảo ít nhất hai yếu tố: vốn và phương pháp quản trị tốt”, ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op đúc kết lại.

Theo Bích Thảo, Lâm Như