Doanh nghiệp nội phản công trong hệ thống bán lẻ

Trong khi các nhà đầu tư nước ngoài cẩn trọng trong việc mở rộng mạng lưới thì các doanh nghiệp (DN) trong nước lại tăng tốc, mở rộng điểm bán mới, phát triển kinh doanh chuỗi nhằm chiếm lĩnh thị trường.
Đánh nhanh, thắng nhanh
Sau khi ồ ạt mở cửa nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi để đón xu hướng mua sắm dịp Tết thì đây là thời điểm mà các DN trong nước tăng tốc mở chuỗi kinh doanh. Mở đầu trong chiến lược “đánh nhanh” trong thời điểm này phải kể đến hệ thống siêu thị Vinatexmart.
Ngày 20/4, đơn vị này đã khai trương siêu thị Vinatexmart NBC tại số 4 Bến Nghé, P.Tân Thuận Đông, Q.7, TP.HCM. Siêu thị chủ yếu phụ vụ cho công nhân khu chế xuất Tân Thuận.
Cùng lúc với việc khai trương Vinatexmart NBC, Vinatexmart cũng ráo riết thực hiện các khâu cuối cùng để chuẩn bị cho việc ra đời hai siêu thị tại Đà Lạt và Bình Dương vào ngày 28 và 30/4 tới. Trước ba siêu thị này, vào cuối tháng 3, Vinatexmart cũng đã liên tiếp khai ba siêu thị khác ở Hà Nội và TP.HCM.
Như vậy, kể từ sau Tết đến nay, Vinatexmart đã mở thêm 9 siêu thị mới trong cả nước, nâng tổng số siêu thị của hệ thống này lên con số 67. Không chỉ có mặt ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, thương hiệu Vinatexmart đã được người tiêu dùng tại 24 tỉnh, thành trong cả nước đón nhận. 
Cũng như Vinatexmart, trung tuần tháng 4 vừa qua, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) khai trương hai cửa hàng tiện lợi tại TP.HCM, nâng số cửa hàng Satrafoods lên con số 9. Đại diện Satra cho biết, không chỉ dừng lại ở số cửa hàng trên, hiện Satra đang lên kế họach để khai trương cửa hàng tiện lợi thứ 10 tại một quận nội thành TP.HCM.
Ngoài việc phát triển hệ thống cửa hàng tiện lợi, Satra cũng đang đẩy mạnh phát triển mạng lưới siêu thị, trở thành một trong những thương hiệu kinh doanh bán lẻ thân thuột với nhiều người tiêu dùng TP.HCM. Vào cuối năm nay, siêu thị Satra tại Thủ Đức sẽ chính thức ra mắt người tiêu dùng nơi đây.
Không chỉ các nhà kinh doanh tổng hợp mà ngay cả những nhà phân phối điện máy cũng liên tiếp đầu tư mở điểm bán mới. Ông Phan Linh Phương, Trưởng phòng Marketing Công ty CP thương mại Nguyễn Kim, cho biết, ngày 26/4 tới, sẽ khai trương đồng loạt 6 trung tâm mua sắm mới tại Cần Thơ, Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Bình Phước và Buôn Ma Thuột.
Vào cuối năm nay, Công ty cũng sẽ khai trương thêm 14 trung tâm mua sắm mới tại Hà Nội và TP.HCM. Và như vậy, đến cuối năm 2012, Nguyễn Kim sẽ có 30 trung tâm mua sắm ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Cũng tăng tốc mở rộng chuỗi bán lẻ, từ đầu năm đến nay, Công ty Thế Giới Điện Tử đã khai trương ba siêu thị Dienmay.com tại Vũng Tàu, Sóc Trăng và Ban Mê Thuột. Chỉ sau hơn một năm tham gia thị trường, Thế Giới Di Động đã có 10 siêu thị Dienmay.com tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Hiện tại, Thế Giới Di Động đang khảo sát thị trường ở nhiều tỉnh khác để tiếp tục mở chuỗi bán lẻ hàng điện máy của mình.
Tấn công để phòng thủ
Bà Phạm Thị Quỳnh Ny, Giám đốc Marketing hệ thống siêu thị Vinatexmart, cho rằng, thời điểm này là cơ hội cho các DN trong nước mở rộng đầu tư. Theo bà Quỳnh Ny, có rất nhiều thuận lợi để DN trong nước tăng tốc, mở rộng mạng lưới, tìm chỗ đứng vững chắc trong thị trường bán lẻ hiện đại vốn còn non trẻ nhưng cũng rất cạnh tranh như Việt Nam.
Theo lý giải của bà Quỳnh Ny, hiện nay, bất động sản đang đóng băng nên giá mặt bằng bán lẻ cũng “hạ nhiệt”, dễ tìm. Việc các DN nước ngoài chựng đầu tư khiến công tác tìm kiếm những mặt bằng đẹp không còn quá khó khăn như trước.
Hơn nữa, hiện nay, chi phí đầu tư cũng đang trong giai đoạn “thấp điểm”, lãi suất ngân hàng giảm là những cơ hội cho DN trong nước tăng tốc mở rộng chuỗi kinh doanh. “Nếu tận dụng được lợi thế này thì trong năm những tiếp theo, khi thị trường phục hồi, DN trong nước sẽ đỡ áp lực cạnh tranh từ nước ngoài”, bà Quỳnh Ny phân tích.
Dù đang tận dụng cơ hội để đẩy mạnh kinh doanh nhưng các DN trong nước cũng rất cân nhắc về việc đầu tư ở đâu, đầu tư như thế nào. Ông Huỳnh Thanh Nhàn, Phó tổng giám đốc hệ thống siêu thị Vinatexmart, cho biết, hiện Vinatexmart đã có 67 siêu thị tại 26 tỉnh thành nhưng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc mở rộng hệ thống.
Bộ Công Thương sẽ cùng Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực phân phối bán lẻ để lồng ghép vào Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia hằng năm; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát địa bàn về các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại nhằm bảo vệ sản xuất và hệ thống phân phối bán lẻ Việt Nam.
Không chỉ đầu tư ở những thị trường trọng điểm, những đô thị đông dân cư, Vinatexmart còn đẩy mạnh về các thị trường nông thôn, các KCX-KCN – những “thị trường ngách” ít có đối thủ nhắm tới.
Với tham vọng trở thành một trong những DN ở nhóm dẫn đầu thị trường bán lẻ của Việt Nam, DN dẫn đầu về hàng dệt may trong cả nước, từ nay đến hết năm 2015, Vinatexmart sẽ mở thêm 128 điểm bán mới.
Cũng như ngành kinh doanh tổng hợp, DN kinh doanh ngành điện máy DN trong nước cũng đang nhắm tới thị trường tỉnh ngoài thị trường chính là những thành phố lớn. Công ty Nguyễn Kim đặt mục tiêu đạt 50 trung tâm mua sắm trong cả nước vào năm 2015.
Ngoài hai thị trường lớn là TP.HCM và Hà Nội, Nguyễn Kim sẽ có mặt sẽ tại nhiều tỉnh thành khác. Chiến lược của Công ty Thế Giới Di Động là phủ dày những nơi mãi lực còn lớn để phân bố kênh phù hợp.
“Ngoài TP.HCM, khách hàng các tỉnh, thành ở miền Nam sẽ được ưu tiên trong thời gian tới. Vì thế, các siêu thị Dienmay.com sắp mở tới đây cũng sẽ có quy mô vừa phải để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của các hộ gia đình ở tỉnh”, ông Đinh Anh Huân, Tổng giám đốc Công ty CP Thế Giới Điện Tử, cho biết.

Theo Hồng Nga