Bí quyết để thành công trong công việc

Trên con đường đi tìm sự chuyên nghiệp và thành đạt trong sự nghiệp, bạn gặp không ít khó khăn. Biết bao rào cản sẽ đợi bạn phía trước mà nếu không chuẩn bị cho mình những kỹ năng cần thiết, bạn sẽ vô cùng bỡ ngỡ. Và lúc đó, nghiễm nhiên, mắc sai lầm cũng là điều dễ hiểu.
Hẳn sẽ có lúc, bạn băn khoăn không hiểu sao sếp lại không chọn mình, thay vì lại chọn một đồng nghiệp khác? Tại sao bạn không được mọi người tín nhiệm, quan tâm trong khi năng lực và trình độ của bạn có thừa?
Đó là khi bạn thiếu những kỹ năng cần thiết để thành công. Câu trả lời tưởng như đơn giản ấy thực sự lại không dễ dàng gì để đạt được. Cách tốt nhất, hãy kiên trì rèn luyện cho mình những kỹ năng cần thiết để vững bước trên con đường sự nghiệp:
1. Kỹ năng diễn thuyết
Dù bạn đang giữ vị trí CEO hay đang phải chuẩn bị một bài diễn thuyết quan trọng trong một cuộc hội nghị quốc tế thì kỹ năng nói chuyện trước đám đông cũng hết sức cần thiết. Từ ánh mắt, lời nói đến điệu bộ, cử chỉ đều phải làm sao cho phù hợp với người nghe, đó là một đặc điểm tối ưu của một diễn giả chuyên nghiệp. Điều đó sẽ giúp bạn trở nên ấn tượng, đáng nhớ hơn đối với người nghe.
Vì thế, cách tốt nhất để rèn luyện khả năng nói là dù gặp bất kỳ ai, dù chỉ một hay đông người, bạn cũng tập cho mình tác phong nói chuyện nghiêm chỉnh, hoạt bát, coi như đó là lúc thực hành khả năng diễn thuyết của mình.
Thậm chí, nhiều khi bạn phải tự tạo cho mình môi trường để… tập nói. Có thể là một đám đông bạn bè, đồng nghiệp hoặc một nhóm người ngoài xã hội đang cần tranh luận về một vấn đề nào đó. Dần dần, bạn sẽ ăn nói tốt hơn, diễn thuyết chuyên nghiệp dần lên và không còn bỡ ngỡ trong mọi tình huống. Hơn thế, kỹ năng nói chuyện, đàm phán tốt sẽ tạo cho bạn những mối quan hệ bền vững, thuận lợi cho sự nghiệp trong tương lai.
2. Quyết đoán
Một lãnh đạo giỏi là người luôn đưa ra được những định hướng, chiến lược và quyết định đúng đắn, kịp thời. Không ít người vẫn bị cái tính chần chừ, không quyết đoán níu kéo, vì họ luôn lo sợ nếu chẳng may đưa ra quyết định sai thì hậu quả sẽ khôn lường. Tất nhiên, cẩn trọng là việc tốt nhưng sự lo lắng đến mức thiếu quyết đoán lại là một điều hoàn toàn không nên có. Thậm chí, nếu bạn cứ sợ sai, bạn có thể sẽ đưa ra quyết định sai lầm và thất bại còn nặng nề hơn nhiều.
Vì thế, hãy tự tin đưa ra quyết định của mình và thay vì lo lắng, hãy suy nghĩ thấu đáo để lường trước mọi kết quả có thể xảy ra. Trong mọi trường hợp, sự quyết đoán đều vô cùng quan trọng và khi bạn đưa ra quyết định đúng, bạn sẽ có được phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của mình.
3. Có trách nhiệm
Không ít những kẻ thường tìm cách nhận công lao về mình khi dự án thành công hoặc đổ hết lỗi cho đồng nghiệp nếu chẳng may có điều gì đó xảy ra không như mong muốn. Đừng tưởng rằng cách đó có thể tạo nên hình ảnh bạn thật hoàn hảo trong mắt sếp và đồng nghiệp.
Tốt nhất, bạn hãy tỏ ra là người có trách nhiệm, biết rõ công sức đến đâu và lỗi lầm của mình đến cỡ nào. Nếu muốn sếp yêu mến và đồng nghiệp tôn trọng bạn, đừng bao giờ tìm cách đổ lỗi cho người khác những thiếu sót của mình. Tốt hơn hết là bạn nên lên kế hoạch, danh sách các đầu mục công việc và kế hoạch, nhân lực tham gia, để biết rõ trách nhiệm của mình đến đâu, tránh tình trạng đổ lỗi vòng vo. Hãy dũng cảm nhận lỗi và tìm cách sửa lỗi, sự chững chạc, tự tin và tinh thần trách nhiệm cao luôn là bí quyết giúp bạn thành công.
4. Tinh thần lạc quan
Khi thảo luận về công việc, dù dễ hay khó, bạn cũng nên thể hiện một tinh thần lạc quan dù đồng nghiệp của bạn có thể tỏ ra hoài nghi về khả năng thành công và phê phán bạn đi chăng nữa. Bởi lẽ, một khi đã đưa ra ý tưởng, bao giờ sếp cũng đã có suy nghĩ chín chắn và thái độ bi quan, chán nản, bất hợp tác chỉ khiến hình ảnh của bạn xấu đi trong mắt sếp mà thôi. Sếp sẽ cảm thấy bạn không yêu công việc, không hết lòng vì công ty thậm chí tệ hơn, có thể coi bạn là kẻ phá đám.
Tất nhiên, bạn có thể đề phòng hoặc kiêng vào những “ngày xấu” để công việc được thuận lợi theo như thiên kiến chủ quan của bạn, nhưng đừng để tư tưởng đó lây lan sang những người khác và kéo người ta xuống. Một khi bạn lạc quan, tích cực, những người xung quanh cũng cảm thấy yêu đời, tin tưởng hơn và mọi khúc mắc sẽ sớm được tháo gỡ.
5. Vẻ ngoài lịch lãm
Học cách thể hiện mình với người khác cũng là một trong những yếu tố quan trọng để thành công. Hình ảnh một nhân viên thông minh, lịch sự với vẻ ngoài gọn gàng, sáng sủa là cách tạo ấn tượng tốt nhất với người xung quanh, kể cả khi bạn chưa nói điều gì. Phong cách của bạn sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến cách nhìn nhận của đồng nghiệp và những người xung quanh. Vì thế, hãy chịu khó xem các tạp chí thời trang, ghé thăm các salon tóc để tìm cho mình phong cách, ngoại hình phù hợp.
6. Quản lý thời gian
Việc quản lý, phân chia thời gian cho phù hợp cũng là một yếu tố quan trọng giúp bạn thành công trên con đường sự nghiệp. Bởi lẽ, nếu không có sự phân bổ hợp lý, mọi việc sẽ diễn ra ngoài tầm kiểm soát của bạn. Sự vô tổ chức cũng đồng nghĩa với việc bạn luôn luôn trong tình trạng gấp rút, vội vàng để hoàn thành công việc.
Vì vậy, bạn hãy phân chia thời gian thật chi tiết, liệt kê ra các đầu mối và thời hạn hoàn thành công việc để có thể chủ động và đảm bảo công việc trôi chảy. Thay vì check mail liên tục 17 lần/giờ, bạn hãy lên kế hoạch nhưng việc cần làm cho ngày mai
Tất nhiên, mỗi người có những bí quyết riêng để thành công trong sự nghiệp nhưng những kỹ năng có vẻ như rất cơ bản nhưng hết sức quan trọng này chắc chắn sẽ là chiếc chìa khóa vàng giúp bạn vững vàng hơn.

Theo Zing / Askmen