Cấp trên của bạn đi muộn về sớm, không kiểm tra e-mail, chơi điện tử vài tiếng đồng hồ trong giờ làm và phớt lờ những câu hỏi liên quan tới công việc. Bạn cáu tiết vì vô số vấn đề không được xử lý khiến công việc trở nên bế tắc.
Dưới đây là những cách để nhân viên đối phó với những nhà quản lý bê trễ vì không còn hứng thú với công việc.
Tìm hiểu xem điều gì đang xảy ra
Các nhà quản lý cũng có những giai đoạn thay đổi tâm trạng giống như mọi người. Vì thế, trước tiên bạn nên tìm hiểu tại sao sếp lại tỏ ra không quan tâm tới công việc. Rất có thể sếp đang phải giải quyết một tình huống mang tính tạm thời như rắc rối hôn nhân, người thân mắc bệnh nặng. Nhưng trong nhiều trường hợp sếp đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng hơn. Một số nhà quản lý chán việc vì họ kiệt sức, song nhiều người khác buông xuôi vì họ mất động cơ phấn đấu.
Cố gắng giúp đỡ sếp
Chẳng có gì tồi tệ hơn khi phải làm việc dưới trướng một nhà quản lý chán việc. giáo sư Robert I. Sutton – một chuyên gia về khoa học quản lý tại Đại học Stanford, Mỹ – nói: “Những vị sếp không còn hứng thú với công việc sẽ làm giảm động cơ làm việc và khí thế của nhân viên. Thái độ chán nản của họ có thể lây lan như bệnh dịch”.
Nhưng cho dù phản đối thái độ làm việc của sếp thì chúng ta cũng không nên bàn tán điều đó với những người khác hoặc thốt ra những câu châm biếm hay xúc phạm. Thay vào đó, bạn hãy tìm kiếm cơ hội để giúp đỡ cấp trên.
Nhiều nhà quản lý chán việc sẵn sàng trao bớt trách nhiệm cho cấp dưới. Vì thế, nếu sếp đang quản lý một dự án, bạn hãy đề nghị được chia sẻ gánh nặng. Thái độ của bạn chẳng những làm giảm áp lực cho sếp, mà còn tạo ra cảm giác tốt đẹp về bạn trong tâm trí mọi người, kể cả sếp. Nhưng bạn nên cẩn thận khi yêu cầu giúp đỡ sếp. Một nguyên tắc mà mọi nhân viên đều phải nhớ là: Đừng bao giờ vượt qua ranh giới của bạn hoặc đe dọa vị trí của sếp. Nhà quản lý nào đó có thể chán việc, nhưng quyền hành vẫn nằm trong tay họ nếu họ chưa thôi việc.
Hành động quyết liệt hơn
Nếu những biện pháp trên không phát huy hiệu quả, có lẽ chúng ta cần thực hiện những biện pháp trực tiếp hơn.
Giả sử trong một công ty có sếp chán việc, vài nhân viên có vai trò quan trọng cùng tới gặp cấp trên và nói: “Chúng tôi ngưỡng mộ những thành quả mà ông/bà đã làm được cho công ty, nhưng nếu ông/bà không thay đổi thái độ làm việc hiện nay thì tôi nghĩ ông/bà nên từ chức”.
Bạn nghĩ gì về tình huống này? Đó là một hành động mạo hiểm và không phù hợp với tất cả công ty trên thế giới. Song nhiều nhân viên cảm thấy cách đó ổn, bởi họ biết chắc cấp trên không thể sa thải họ một cách dễ dàng.
Tất nhiên nhiều nhân viên khác không dám hoặc không muốn làm việc ấy. Vì thế họ cần những biện pháp tế nhị hơn. Chẳng hạn, một nhóm nhân viên có thể yêu cầu sếp tiến hành khảo sát thái độ làm việc của mọi người trong công ty, kể cả sếp. Trong những phiếu điều tra họ có thể đánh giá thái độ của sếp mà không sợ bị lộ danh tính. Một cách khác là yêu cầu khách hàng bày tỏ sự không hài lòng về sự thờ ơ của sếp. Cách này có thể dẫn tới sự thay đổi.
Nếu không thể thực hiện hai cách trước, chúng ta vẫn còn cách thứ ba: Nói chuyện với cấp trên của sếp. Trong nhiều trường hợp cách này là giải pháp tốt nhất, nhưng vẫn ẩn chứa rủi ro. Sếp trực tiếp của bạn có thể nổi giận nếu biết bạn gặp cấp trên của ông ta hoặc bà ta. Sau đó công việc của bạn có thể trở nên khó khăn hơn do sự tác động của sếp. Do đó chúng ta phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định hành động.
Trong trường hợp bạn không muốn tỏ ra là người thích phàn nàn, hãy tìm một người cố vấn trong công ty. Đó có thể là nhân viên lâu năm, có uy tín hoặc một nhà quản lý cấp thấp. Những người như vậy có thể cho bạn những lời khuyên về công việc mà bạn không thể có từ sếp. Thậm chí bạn cũng có thể yêu cầu họ tư vấn về cách đối phó với tình trạng sếp chán việc.
Đương nhiên, tìm công việc khác cũng là một lựa chọn đáng xem xét. Craig Isaacs, giám đốc điều hành của một công ty phần mềm tại Mỹ, từng chọn giải pháp đó khi ông còn làm nhân viên trong những năm đầu thập niên 90. Khi ấy ông làm việc tại một công ty công nghệ và chịu sự điều hành của một vị sếp sắp nghỉ việc. Nhiều lần Isaacs bắt gặp sếp chơi game trên máy tính trong vài giờ. Vì thế ông quyết định “tân trang” hồ sơ và tìm kiếm công việc khác.
“Vào một số thời điểm bạn phải quyết định bạn thực sự muốn gì. Nếu công việc ở công ty hiện tại không còn khiến bạn hứng thú, hãy rời khỏi nó ngay”, Isaacs nói.
Nếu tìm cơ hội việc làm mới không phải lựa chọn mong muốn thì bạn nên xem loạt phim truyền hình mang tên “The Office”. Loạt phim nói về Michael Scott, một ông chủ chán việc thường xuyên vắng mặt tại công ty và gây nên nhiều sai lầm tệ hại. Không muốn bỏ việc, các nhân viên của Scott buộc phải tìm mọi cách để đối phó và sửa chữa những sai lầm của sếp. Kết quả là công ty vẫn hoạt động tốt dù ông chủ không còn quan tâm tới nó. Bài học mà chúng ta có thể rút ra là: Ngay cả khi sếp vắng mặt triền miên, bạn vẫn có thể tìm ra cách để làm tốt công việc.
Theo Vnexpress / AP