Khi làm việc, phụ nữ và nam giới sử dụng những chiến thuật khác nhau trong giao tiếp và không phải lúc nào cũng được phía bên kia thông hiểu trọn vẹn. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến tiến độ công việc và thậm chí là quan hệ đồng nghiệp.
Hiểu lầm có thể bị xóa bỏ nếu các hành vi giao tiếp của nam và nữ được giải mã thỏa đáng.
Nam giới trong giao tiếp công sở
1. Phê bình, bỡn cợt
Có thể bạn thấy nam giới thường nói đùa, không nghiêm túc, hay chọc ghẹo, phê bình người khác. Thực chất đây chính là cách mà đàn ông sử dụng để chứng tỏ vị trí của mình.
Phụ nữ cho rằng: Chọc ghẹo người khác khiến đối phương cảm thấy nhỏ bé, và với phụ nữ, những kiểu phê bình, bỡn cợt này chỉ thể hiện sự kiêu ngạo, thậm chí là gây hấn.
Ý kiến chuyên gia: Những kiểu bỡn cợt của nam giới thường là vô hại, miễn là có bên tung bên hứng. Thậm chí, đôi lúc, nếu đừng quá nghiêm túc xét nét thì đây cũng là một kiểu giải tỏa áp lực trong công việc khi mọi người đang phải bù đầu chạy theo dự án, hay doanh số.
2. Ít đặt câu hỏi
Nam giới thường ít đặt câu hỏi trong công việc vì sợ rằng người khác sẽ nghĩ mình thiếu kiến thức, năng lực. Họ đánh đồng kiến thức với quyền lực nơi công sở và không muốn bị mất mặt nếu tỏ ra thấp kém.
Phụ nữ cho rằng: Những hành động như thế thật trẻ con, thậm chí là “chảnh” và mất thời gian. Sẽ hiệu quả hơn nếu anh ta mạnh dạn hỏi, có câu trả lời và xúc tiến nhanh công việc.
Ý kiến chuyên gia: Một số môi trường làm việc không khuyến khích nhân viên hỏi quá nhiều và đôi lúc tạo cho nhân viên cảm giác tự ti nếu làm gì cùng hỏi. Trong một số cuộc họp, không nhất thiết phải đưa ra quá nhiều câu hỏi vì mọi người cần thống nhất với nhau để có thể chọn lựa chiến lược tốt nhất cho công ty, từ đó từng nhân viên sẽ có cách riêng để tự tìm hiểu chi tiết.
3. Thiếu phản hồi
Đơn giản là đàn ông không thích bị chỉ trích và nghĩ rằng những lời khen chỉ khiến người khác ngủ quên trên chiến thắng. Do đó, họ không yêu cầu phản hồi và cũng không muốn phản hồi với người khác.
Phụ nữ cho rằng: Nam giới không biết trân trọng đóng góp của họ và chỉ biết chỉ trích. Thậm chí phụ nữ cũng cho rằng mục đích của việc không phản hồi là không muốn cho chị em cơ hội thăng tiến hoặc được đảm nhận các dự án lớn.
Ý kiến chuyên gia: Các phản hồi mang tính chất xây dựng là cần thiết đối với văn hóa công ty. Cả hai giới cần tìm cách tận dụng công cụ này nhằm cải thiện chất lượng công việc.
Nữ giới trong giao tiếp công sở
1. Đòi hỏi bình đẳng
Phụ nữ luôn cố gắng đảm bảo sự bình đẳng cho mọi nhân viên trong công sở. Họ mong muốn tất cả được đối xử như là nhân viên có ích và đóng góp hiệu quả cho công ty.
Đàn ông cho rằng: Nam giới cho rằng đây là dấu hiện cho thấy phụ nữ thiếu tự tin và năng lực để làm lãnh đạo.
Ý kiến chuyên gia: Phụ nữ có thể tạo thế và lực cho mình bằng cách điều phối và hợp tác tốt với các bên. Đây là điều nam giới có thể học hỏi. Tuy nhiên, phụ nữ khi nắm giữ các vị trí lãnh đạo cần tỏ rõ lập trường và ranh giới về mặt quyền hạn với nhân viên.
2. Quá cầu toàn trong các cuộc thương thuyết
Phụ nữ muốn thấy toàn cảnh và đảm bảo các bên nắm rõ tất tần tật mọi chi tiết và thông hiểu lẫn nhau trước khi đưa ra quyết định.
Đàn ông cho rằng: Cách làm của phụ nữ hoàn toàn trái ngược với nam giới. Với cách làm này, phụ nữ tỏ ra mình thiếu lập trường rõ ràng và không quyết đoán.
Ý kiến chuyên gia: Trong thương thuyết, quan trọng là ở chỗ bạn phải nắm các yếu tố có tính ảnh hưởng trước khi ra quyết định. Mặt khác, đảm bảo mọi người đều vui vẻ không phải là cách các nhà lãnh đạo ra quyết định. Sẽ thật lý tưởng nếu phối hợp được sự quyết đoán của nam giới và tính tỉ mỉ của phụ nữ.
3. Không chắc chắn
Phụ nữ không muốn tỏ ra hối thúc hoặc không lo nghĩ đến vị trí và ý kiến của người khác.
Đàn ông cho rằng: Vì vậy, phụ nữ thường không chắc chắn trong mọi việc và thường cần người khác đứng ra chịu trách nhiệm.
Ý kiến chuyên gia: Cân bằng giữa khiêm tốn và nhún nhường là phẩm chất tốt của lãnh đạo. Nhưng nếu lúc nào cũng nương theo ý kiến và mong đợi của người khác sẽ khiến bạn thiếu sự cương quyết.
Theo Dân trí