Cách đây 2 năm, nếu nhắc đến kinh doanh cửa hàng tiện lợi, mọi người đều nhất trí bởi một từ “ Sớm!”, tuy nhiên đến hôm nay “Sớm!” không phải là từ thích hợp đối với mô hình kinh doanh này mà đã được thay thế bằng cụm từ “cuộc đua quyết liệt”.
Dĩ nhiên, dưới con mắt của những nhà tiếp thị ít hiểu biết chuyên sâu về mô hình này thì vẫn tồn tại không ít lo ngại mà chủ yếu là ấn tượng về sự thử thách của mô hình này phải đón nhận trong thời gian ban đầu.
Hiện nay, đường đua này trở nên sôi động với những tay đua như: Shop & Go, Circle K, Family Mart, Ministop, Co.op Food, Satra Food, New Chợ… họ lặng lẽ chạy marathon và không ngần ngại tuyên bố kế hoạch của mình. Dẫn đầu hiện nay là Shop & Go với số lượng 70 cửa hàng, mặc dù không đưa ra kế hoạch cụ thể về số lượng cửa hàng, nhưng với mô hình hợp tác kinh doanh với các hộ gia đình hiện nay, Shop & Go đã cho thấy một bước đi đầy xông xáo. Cũng cùng một nhận diện màu đỏ như Shop & Go, Circle K cũng đã bắt đầu trở nên quen thuộc với thị trường, đặt biệt là khu vực quận 1 và quận 3 với 32 cửa hàng và hoạch định 500 cửa hàng trong vòng 5 năm.
Family Mart và Ministop, hai ông khổng lồ đầy cẩn trọng đến từ Nhật Bản cũng không kém phần lạc quan với cùng một con số 300 cửa hàng trong vòng 3 năm. Những nhãn hiệu nội địa cũng làm cho thị trường sôi động không kém là Co.op Food và Satra Food với mô hình mang tính đặc trưng về một tiệm tạp hóa Việt Nam. New Chợ – một mô hình cửa hàng nhỏ của Big C cũng đã tham gia thị trường với 3 cửa hàng.Nhân dịp hội chợ những nhà bán lẻ châu Á Thái Bình Dương tại Singapor (Asia Pacific Retailer Exhibition Singapore), ông Rob Gregry một chuyên gia phân tích chuyên về chuỗi cửa hàng nhỏ của Planet Retail cho Việt Nam Franchise World biết rằng,nếu có một kênh phân phối nào tạo ra nhiều sự thú vị của thị trường vào những năm tới tại Viêt Nam thì đó sẽ là mô hình cửa hàng tiện lợi. Ông cũng cho biết, có nhiều yếu tố cạnh tranh trong mô hình cửa hàng tiện lợi, nhưng tựu chung sẽ là ba chiến lược cơ bản: chiến lược chủng loại sản phẩm để có được lợi nhuận hợp lý, chiến lược địa điểm và chiến lược gói nhượng quyền thương mại.
Kinh doanh cửa hàng tiện lợi sẽ mang lại lợi nhuận khi số lượng cửa hàng đạt đến một quy mô vừa đủ và nhượng quyền là phương thức thực hiện với tốc độ cao nhất. Bằng phương thức nhượng quyền, một nhãn hiệu sẽ dễ dàng chiếm lĩnh một khu vực phân phối địa lý cụ thể được gọi là chiến lược “Dominate” (tạm dịch là chiến lược chiếm lĩnh) và đó sẽ là một rào chắn vững chắc trước sự xâm nhập của đối thủ cạnh tranh. Một mô hình cửa hàng tiện lợi được cho là hiệu quả nếu doanh số hàng ngày đạt được 20 triệu đồng (tương đương với 1000 đô-la Mỹ), mức lãi gộp tối thiểu là 25% và chi phí tiền thuê mặt bằng nằm trong khoảng từ 8 đến 10% doanh thu bán hàng, và dĩ nhiên vẫn còn lệ thuộc vào phương thức điều hành và khai thác cửa hàng sao cho hiệu quả. Các doanh nghiệp kinh doanh cửa hàng tiện lợi chuyên nghiệp thường không quan tâm lắm đến áp lực cạnh tranh với các cửa hàng truyền thống vì nếu mô hình thật sự tạo ra tính tiện lợi thì cơ hội chiếm được lòng tin yêu của khách hàng rất lớn, đặc biệt với một thị trường người tiêu dùng trẻ như của Việt Nam. Ông Rob cũng khẳng định rằng: “Phương thức và chiến lược nhượng quyền thượng mại để mở rộng hệ thống sẽ là điều thú vị cần quan sát trong cuộc đua này. Và 5 năm nữa sẽ có những cuộc mua bán sát nhập giữa những hệ thống thành công và không thành công giống như thị trường của một số nước khác trong khu vực”.
Theo Marketingchienluoc