Những điều cần biết khi mua nhượng quyền

Mô hình kinh doanh nhượng quyền tại Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Nếu bạn đang đứng trước lựa chọn mua nhượng quyền, những thông tin, kiến thức sau sẽ rất hữu ích.
*Hỏi:Tôi có thể thương lượng phí nhượng quyền không?
– Harish Babla – Managing Partner nhuongquyenvietnam.com trả lời:Các điều khoản trong hợp đồng nhượng quyền thường được chuẩn hóa càng giống nhau càng tốt, cho tất cả mọi đối tượng trong toàn hệ thống nhượng quyền thương mại. Do vậy, thông thường bạn không có nhiều cơ hội thương lượng để thay đổi phí nhượng quyền trong hợp đồng.
Điều này hoàn toàn đúng với những hệ thống nổi tiếng và chuẩn hóa lâu năm, bên nhượng quyền luôn từ chối thương lượng về mức phí nhượng quyền ban đầu hay phí nhượng quyền hàng tháng.
Tuy nhiên, đối với những hệ thống nhượng quyền mới, hay những thương hiệu muốn vào một thị trường mới, khi bên nhượng quyền quá mong muốn tham gia thị trường để chiếm thị phần, thì khả năng thương lượng về mức phí nhượng quyền có thể xảy ra.
Một số nhà nhượng quyền có thể đồng ý giảm mức phí nhượng quyền ban đầu, hay miễn phí nhượng quyền hàng tháng trong khoảng thời gian ban đầu để hấp dẫn và khuyến khích bên nhận nhượng quyền.
Bạn cũng nên cẩn thận với những hệ thống sẵn sàng giảm phí nhượng quyền một cách liều lĩnh. Bên bán nhượng quyền nên có sự tin tưởng vào mô hình kinh doanh của chính họ và chọn lọc bên mua nhượng quyền một cách khắt khe. Một khoản giảm phí nho nhỏ có thể làm cho hai bên hài lòng và đi đến thỏa thuận, nhưng việc xây dựng niềm tin lâu dài mới là điều quan trọng hơn cả.
*Hỏi:Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi đổi ý trong một thời gian ngắn sau khi ký hợp đồng nhượng quyền?
– Luật sư Bùi Hồng Ngọc (Indochina Consult) trả lời:Bạn đừng bao giờ tham gia vào một hệ thống nhượng quyền nếu bạn chưa tự tin là mình muốn tham gia, chưa có đầy đủ khả năng hoặc chưa thu thập đủ thông tin.
Nếu phía nhượng quyền cố hối thúc bạn ký hợp đồng hoặc nói với bạn rằng có một đối tượng khác đang mong muốn ký hợp đồng này, thì bạn càng nên cẩn trọng và điều tra thêm về hệ thống đó cho đến khi bạn chắc chắn mình đã hiểu rõ.
Lý do để bạn phải chắc chắn trước khi đặt bút ký vào hợp đồng là vì bạn hoàn toàn không có cơ hội rút lui khi bạn đột ngột đổi ý. Có một số hợp đồng nhượng quyền có thời hạn cho phép rút lui rất ngắn, thông thường là 7 ngày gọi là khoảng thời gian “cooling off”, nhưng trường hợp này rất hiếm và thường xảy ra trước khi trả phí nhượng quyền.
Thông thường các hợp đồng nhượng quyền có thời hạn là 5 năm hoặc hơn, cả bên nhượng quyền hay bên nhận nhượng quyền đều không có quyền chấm dứt hợp đồng, ngoại trừ một trong hai bên vi phạm nghiêm trọng hợp đồng.
Chắc chắn là trong tất cả các hợp đồng nhượng quyền đều không cho phép bên nhượng quyền rút lui một cách đột ngột ngay sau khi đã được bên nhượng quyền đào tạo và chuyển giao bí quyết kinh doanh.
Nếu bên nhận nhượng quyền rút lui bất ngờ sau khi được chuyển giao bí quyết kinh doanh, bên nhượng quyền dĩ nhiên sẽ không trả lại phí nhượng quyền ban đầu và có thể kiện bên nhận nhượng quyền ra tòa.
Bên nhận nhượng quyền có thể phải bồi thường phí tổn cho hệ thống bằng tiền phí nhượng quyền hàng tháng (đáng lẽ phải trả) nhân với một khoản nhất định. Hợp đồng nhượng quyền không tạo cơ hội cho bên nhận nhượng quyền rút lui một cách đột ngột.
* Hỏi: Tôi có thể đồng thời vừa làm công việc cũ mà vừa mua một kinh doanh nhượng quyền mới không?
– TKLee – International Partner nhuongquyenvietnam.com trả lời: Điều đó có thể xảy ra đối với một số hệ thống nhượng quyền nhưng không được khuyến khích. Cũng tương tự như việc thành lập một cơ sở kinh doanh mới, mua một cơ sở nhượng quyền đòi hỏi bạn phải toàn tâm, toàn ý và cam kết dành đầy đủ thời gian và khả năng cho nó.
Một số hệ thống nhượng quyền có thể đòi hỏi bạn tham gia đào tạo ban đầu từ vài tuần lễ đến vài tháng, do vậy bạn khó có thể vừa đi làm vừa tham gia đào tạo được. Những năm đầu tiên là thời gian khó khăn nhất để bạn hiểu hết toàn bộ hệ thống hoạt động cũng như đưa cơ sở kinh doanh của mình đi vào hoạt động ổn định.
Nếu bạn chỉ dành một nửa thời gian cho công việc kinh doanh thì sự sao nhãng có thể là nguyên nhân của thất bại.

Theo Marketingchienluoc