Đã qua rồi thời mà mô hình kinh doanh được xem là điều bất di bất dịch. Hiện nay, đổi mới mô hình kinh doanh là cách để gia tăng tính cạnh tranh và đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển bền vững. NCĐT đã có cuộc trò chuyện với Tổng Giám đốc IBM Việt Nam, ông Võ Tấn Long, về xu hướng này.
Ông có thể giải thích khái niệm đổi mới mô hình kinh doanh?
Một mô hình kinh doanh mới ra đời dựa trên 2 nền tảng. Một là, nhìn ra bên ngoài, ông chủ công ty sẽ nhận dạng xem ai là khách hàng? Sau đó, phải trả lời được tôi muốn phục vụ các khách hàng đó bằng chính cách các đối thủ đang làm, hay mở hướng đi mới.
Ví dụ, Apple tham gia vào ngành công nghệ, nhưng không định vị mình là hãng máy tính cá nhân mà là hãng giải trí cá nhân. Bước ngoặt tạo nên danh tiếng của Apple là máy nghe nhạc iPod, sau đó là iTunes, tiếp đó là iPhone, iPad… Cách làm của Apple gọi là thay đổi mô hình ngành, tức chuyển sang ngành khác hoặc tạo ra một ngành mới.
Nói như vậy đổi mới mô hình kinh doanh là một sự thay đổi lớn, không phải công ty nào cũng làm được?
Không hẳn vậy. Có nhiều cách đổi mới mô hình, nhưng nói chung đều thuộc 3 nhóm. Đó là đổi mới mô hình ngành, tức thay đổi cả đối tượng khách hàng, sản phẩm và đôi khi cả cách thức vận hành của doanh nghiệp, như cách của Apple. Đây là hình thức phức tạp nhất, ít doanh nghiệp làm được.
Cách thứ hai là đổi mới mô hình doanh nghiệp, tức thay đổi cách thức vận hành công ty của mình, trong khi khách hàng và sản phẩm vẫn giữ nguyên. Cách thức đổi mới phổ biến nhất là chỉ tập trung vào những khâu mình giỏi nhất, mang lại giá trị gia tăng cao nhất. Các khâu còn lại có thể thuê ngoài. Ví dụ, Bharti là một công ty viễn thông rất lớn của Ấn Độ nhưng không đầu tư hạ tầng mạng mà đi thuê lại của các hãng khác, giảm tối đa chi phí cố định. Đấy là lý do họ đã phát triển từ 3-4 triệu thuê bao lên đến 200 triệu thuê bao chỉ trong 7 năm.
Cuối cùng là đổi mới mô hình doanh thu, tức chỉ thay đổi giá trị sản phẩm, không thay đổi định vị khách hàng và cách thức vận hành doanh nghiệp. Hãng xe Hyundai đã bứt phá ngoạn mục tại Mỹ trong năm 2010 nhờ cách này. Thời điểm đó do kinh tế khó khăn, nhu cầu mua ôtô giảm, các hãng xe đều phải giảm giá mạnh khiến lợi nhuận sụt giảm. Riêng Hyundai đã đưa ra một kiểu bán hàng đặc biệt. Đó là trong vòng 1 năm sau khi mua xe, khách hàng có thể trả lại xe nếu không đủ khả năng thanh toán tiếp. Như vậy, ít nhất Hyundai vẫn bán được giá trị chiếc xe trong năm đó, chờ cho qua khó khăn. Kết quả là Hyundai đã qua mặt GM và chia sẻ thị phần với Toyota tại Mỹ. Họ cũng tăng thị phần và doanh thu tại các thị trường trên thế giới.
Một quá trình đổi mới mô hình kinh doanh diễn ra như thế nào?
Không có câu trả lời cố định. Sự thay đổi thường bắt nguồn từ tác động của kinh tế vĩ mô. Khi đó, doanh nghiệp sẽ xem xét lại các yếu tố nội tại của mình để thích ứng. Theo nghiên cứu của bộ phận tư vấn kinh doanh IBM toàn cầu, đổi mới mô hình doanh nghiệp thường xuất hiện khi kinh tế đi xuống. Đổi mới mô hình ngành thường thấy khi nền kinh tế hoặc bản thân ngành đó đã đạt đến ngưỡng của sự phát triển. Riêng đổi mới mô hình doanh thu thì xuất hiện ở cả đỉnh và đáy của chu kỳ tăng trưởng.
Có thể lấy IBM làm ví dụ. Sự đổi mới toàn diện gần đây nhất của IBM là vào năm 1993. Kinh tế Mỹ lúc đó vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng. Lúc đó IBM là hãng công nghệ phần cứng, chuyên bán mainframe, với triết lý kinh doanh là “tôi bán cái mà tôi nghĩ người ta cần”. IBM bán những hệ thống máy chủ tốt nhất, chứa bên trong toàn bộ các tính năng, ứng dụng, dịch vụ tối tân. Nhưng không phải lúc nào khách hàng cũng cần tất cả các dịch vụ đó và rõ ràng mua cả hệ thống của IBM là quá đắt đỏ. Nhu cầu của khách hàng lúc đó đã khác, họ cần sự tùy biến. Để thực hiện tùy biến được chắc chắn phải có người vừa hiểu biết phần cứng, vừa hiểu rõ về từng ngành nghề. Hai điều này chính là thế mạnh của IBM và IBM quyết định biến mình từ công ty chỉ bán phần cứng sang công ty cung cấp dịch vụ và giải pháp. Sự đổi mới này của IBM chính là đổi mới mô hình ngành.
Ông có nghĩ rằng có quá ít công ty Việt Nam chịu đổi mới?
Nhiều người nghĩ rằng khách hàng của IBM Việt Nam chủ yếu là công ty nước ngoài, nhưng không phải vậy. Chúng tôi làm việc với các cơ quan nhà nước, công ty quốc doanh và cả tư nhân. Và phần lớn những công ty có sự biến đổi tích cực từ sự tư vấn của chúng tôi là các công ty Việt Nam.
Vậy theo ông những cuộc đổi mới mô hình kinh doanh của các công ty Việt Nam sẽ diễn ra mạnh nhất ở ngành nào?
Tại Việt Nam, khá nhiều mô hình ngành cần đổi mới. Nghịch lý phí bảo hiểm ôtô ở Việt Nam là một ví dụ. Ở Việt Nam các công ty thu phí bảo hiểm dựa trên giá của chiếc xe, nên xe càng cũ, càng rẻ thì phí càng thấp. Công ty bảo hiểm cũng không cần quan tâm anh lái xe gây tai nạn bao nhiêu lần, hay chưa gây tai nạn lần nào, phí như nhau. Trong khi ở nước ngoài xe càng cũ, tức là rủi ro hư hỏng càng cao, thì phí càng cao. Hoặc anh lái xe an toàn, trong 1 năm không gây tai nạn lần nào thì sẽ được giảm phí bảo hiểm. Xu hướng đổi mới mô hình kinh doanh chắc chắn sẽ còn được đẩy nhanh hơn nữa trong thời đại đổi mới kỹ thuật số hiện nay.
Cụ thể thì đổi mới kỹ thuật số là gì và theo ông nó sẽ tác động thế nào đến mô hình kinh doanh?
Có thể nhìn thấy công nghệ số đã trải qua một quá trình biến đổi nhanh chóng và sâu sắc. Cuối những năm 1990, kỹ thuật số chỉ xuất hiện trên sản phẩm. Lúc đó nhà nhà tận hưởng những sản phẩm công nghệ tối tân như máy ảnh kỹ thuật số, máy nghe nhạc kỹ thuật số, điện thoại di động. Chưa đầy 10 năm sau, khoảng những năm 2000, kỹ thuật số mở rộng thêm ảnh hưởng và tạo ra xu hướng gọi là phân phối kỹ thuật số, tiêu biểu là sự lên ngôi của web. Chúng ta bắt đầu có kênh phân phối qua thương mại điện tử, mọi giao dịch được đưa lên web. Và trong thập kỷ 2010 này kỹ thuật số sẽ tiến một bước sâu hơn nữa là làm thay đổi cả mô hình kinh doanh. Google, Facebook… là những ví dụ. Họ kiếm tiền dựa trên sự miễn phí. Tài sản của họ bây giờ không phải là nhà xưởng, máy móc nữa mà là nguồn dữ liệu khổng lồ của hàng triệu người dùng.
Rõ ràng, công nghệ số không chỉ góp phần mà thậm chí là cơ sở cho mọi sự đổi mới mô hình kinh doanh trong thời đại ngày nay.
Theo Marketingchienluoc