Chuẩn bị tinh thần để đón “bão công sở”

Hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng có lúc phải nghe những lời phê bình trực tiếp từ cấp trên hay đồng nghiệp. Đó quả thật là những trải nghiệm không mấy dễ chịu bởi chúng khiến bạn thất vọng và đôi khi cáu giận. Tuy vậy, những lời phê bình sẽ có sức nặng tựa tảng đá nghìn cân hay chỉ là viên sỏi còn tùy thuộc vào cách bạn xử lý chúng. Hãy cùng chúng tôi khám phá những lý giải khoa học xung quanh các lời chỉ trích, bạn sẽ có thể đón nhận chúng dễ dàng hơn.
Cái xấu được nhớ lâu hơn cái tốt
Bạn không tin ư? Các chuyên gia giải mã rằng não bộ của chúng nhạy cảm với cái xấu. Vì thế, những thông tin tiêu cực bao giờ cũng để lại dấu ấn sâu đậm và được ghi nhớ tốt hơn. Chính vì thế, đôi khi đã hơn mười, thậm chí hai mươi năm trôi qua, bạn cũng khó mà quên được lần đầu tiên bị đánh đòn hoặc phê bình trước lớp.
Không những thế, những lời phê bình còn gây nên cơn sóng sợ hãi trong bạn. Khi không ít thì nhiều, bạn sẽ có cảm giác bị bỏ rơi, không được thừa nhận, khiến bạn tự nhiên muốn phá vỡ mối quan hệ. Hơn nữa, khi bị sếp nhắc nhở hay phê bình vì thói đi làm trễ, làm việc thiếu nghiêm túc, hẳn bạn sẽ cho là sếp không thích mình. Hoặc lâu dần, bạn sẽ đánh mất niềm tin vào bản thân. Chính vì thế, lời phê bình không chỉ là một cú đòn đau giáng lên lòng tự trọng niềm tin vào bản thân mà còn đánh vào mối quan hệ trong công việc.
Mặt trái của điều tiêu cực
Bất cứ sự việc nào cũng có tính hai mặt, cả những điều tiêu cực nhất cũng không nằm ngoài quy luật này. Nói cách khác, lời phê bình ấy có hữu ích hay không tùy thuộc vào cách nhìn nhận của bạn. Nếu biết cách xử lý, đó sẽ là một trải nghiệm quý báu và là động lực cho bạn phấn đấu. Đồng thời, bạn có thể tham khảo chúng để định hướng chính mình.
Chìa khóa của việc giải quyết chúng không quá khó. Đầu tiên, bạn cần học cách phân biệt một lời chỉ trích mang tính xây dựng hay có sự tính toán phá hoại. Thông thường, lời phê bình tích cực thường sẽ tập trung vào vấn đề, giải mã những yếu tố hay nguyên nhân dẫn đến sự việc đã xảy ra. Ngược lại, lời phê bình có tính tiêu cực thường tìm một nạn nhân để đỗ lỗi mà không cần chú ý đến những nguyên nhân sâu xa hay lý lẽ. Bạn sẽ dễ nhận ra loại này bởi người đưa ra chúng không dựa vào những lý do cụ thể mà chỉ dựa vào cảm xúc hay phán đoán của cá nhân.
Vượt qua chướng ngại này dễ dàng
Bạn đừng vội cho rằng những chỉ trích ấy đều gây bất lợi cho mình. Hãy thử những mẹo nhỏ sau để vượt qua chướng ngại dễ dàng và có thể giữ gìn tác phong chuyên nghiệp trong công việc:
1. Đừng đánh đồng bản thân với sự việc
Nếu bạn bị chỉ trích vì sự thất bại trong công việc, đừng vội đánh giá bản thân kém năng lực. Nên nhớ rằng lời nhận xét ấy dựa vào kết quả của công việc. Bạn có thể thiếu một yếu tố nào đấy để thành công, chứ không phải thiếu năng lực đảm đương. Thay vì tự trách móc bạn thân, đắm chìm trong mặc cảm tội lỗi, sao bạn không mạnh mẽ nhìn nó khách quan hơn để rút ra bài học cho mình.
2. Học hỏi từ những lời phê bình
Hầu hết những lời phê bình đều chứa ít nhất một phần sự thật trong đó. Vì thế, thông qua chúng, bạn có cơ hội để học và cải thiện bản thân. Thậm chí, nếu như nhiều đồng nghiệp truyền tai nhau rằng bạn là một người khoe mẽ trong công việc, hãy khoan nổi giận. thay vào đó, bạn xem xét lại cách mình phản ứng với cấp trên và đồng nghiệp.
3. Học cách phản biện
Một số ít người thường phản kháng bằng cách đưa ra những lời chỉ trích tiêu cực tương tự hay bắt bẻ ngay lập tức lời nói của đồng nghiệp hoặc cấp trên. Điều này không nên chút nào bởi lẽ chúng thể hiện tác phong làm việc thiếu chuyên nghiệp, tính ương bướng và không chịu lắng nghe. Thay vì nổi nóng hay phản kích, bạn nên học cách kiềm chế cảm xúc, bình tĩnh lắng nghe xem lời phê bình kia đúng với mình không. Nếu không phải, bạn có thể đáp trả bằng những câu phản biện để làm rõ chúng. Đừng quên điều chỉnh giọng nói của mình sao cho thật bình tĩnh. Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn một thời điểm khác để trò chuyện với đối phương.
4. Bỏ qua những lời phê bình không đúng
Nếu sau khi cân nhắc những lời nhận xét từ nghiệp mà bận vẫn không thấy chúng hợp lý, hãy bỏ qua. Nên học cách quên hoặc xoa dịu cảm xúc bằng việc nghe nhạc, đi dạo hoặc đơn giản nhất là thay đổi sự tập trung sang một vấn đề khác.
5. Biết nói lời cảm ơn
Hãy cảm ơn những lời góp ý chân thành! Học cách nói lời cảm ơn giúp bạn tạo một phong thái chuyên nghiệp và bản lĩnh trước những cơn bão. Hơn nữa điều này không những khiến bạn khẳng định được giá trị bản thân mà còn làm cho người khác khâm phục bạn.
Đừng quên rằng lời khen chê chỉ mang tính chất tham khảo. Vì thế, bạn nên học cách lằng nghe chúng một cách khôn ngoan. Winston Churchill từng nói: “Phê bình có thể không phải là một điều dễ chịu, nhưng chúng cần thiết. Có tác dụng như những cơn đau của cơ thể, chúng bắt bạn chú ý nhiều hơn đến những điều không đúng”

Theo Vnmedia