Kiểm soát cảm xúc nơi công sở

Ngày nay áp lực trong công việc xảy ra khá thường xuyên và nhiều người phải gánh chịu áp lực công việc khá nặng nề. Vừa bước chân vào văn phòng là cả khối công việc chờ đợi họ. Và thế là, hễ có ai đó hỏi han gì về công việc, họ lại có dịp trút ra để cảm thấy “nhẹ bớt”. Liệu điều đó có tốt hơn cho họ không?
Thực tế cho thấy cảm xúc tác động trực tiếp đến thành tích và hiệu quả làm việc của nhân viên. Vì vậy bạn phải quản lý được cảm xúc của mình để cộng tác ăn ý với đồng nghiệp. Sếp của bạn không những đánh giá bạn về năng lực chuyên môn mà cả thái độ làm việc của bạn nữa.
Cảm xúc tiêu cực lây lan rất nhanh 
Có hai sự kiện quan trọng diễn ra cùng ngày tại một công ty: Trưởng phòng Nhân Sự xin từ chức vì một lỗi lầm gì đó và công ty vừa ký hợp đồng mới. Đến cuối ngày, người ta chỉ nghe các đồng nghiệp kháo nhau về sự kiện thứ… nhất.
Trên thực tế, nhân viên ít có khuynh hướng bàn chuyện lạc quan về công ty mình. Giáo sư tâm lý học Sigal Barsade (ĐH Fairfield, Mỹ) cho rằng: “Cảm xúc tiêu cực lây lan từ người này sang người khác nhanh như virus vậy. Bên cạnh trí tuệ và cái lý trí khôn ngoan, ta còn đem những cảm xúc tự nhiên vào công ty. Cảm xúc thể hiện qua cách làm việc, cách ứng xử của mỗi người. Chính vì thế, quản lý được cảm xúc nơi công sở đóng vai trò rất quan trọng đối với mỗi chúng ta.”
Đôi khi, bạn nghĩ rằng mình không hề biểu lộ cảm xúc. Nhưng trên thực tế, bạn đang thể hiện điều đó ngay trên gương mặt và cử chỉ của mình đấy thôi. Chính những cảm xúc mà bạn không nhận ra sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hành vi của bạn nơi công sở.
Hãy lạc quan và thể hiện cảm xúc tích cực để làm việc hiệu quả hơn
Qua các cuộc nghiên cứu của mình, giáo sư Sigal Barsade khẳng định những người lạc quan có khuynh hướng làm việc tốt hơn. Không những họ được đồng nghiệp yêu mến hơn những kẻ thích “bàn lui” công việc, mà sự lạc quan giúp họ xử lý và nhận thức vấn đề hiệu quả và chính xác hơn. Nhờ cảm xúc tích cực, họ sẽ biết cách “mở lòng” để cùng mọi người thảo luận và xử lý vấn đề hiệu quả hơn. Trái lại, khi mang cảm xúc tiêu cực, họ có khuynh hướng “bi quan hóa” mọi chuyện.
Chân thành thể hiện sự đồng cảm 
Một công ty hàng không đã nghiên cứu khái niệm “cảm xúc trong lao động” qua một khảo sát tình huống cụ thể trong nhóm nhân viên chăm sóc khách hàng. Nhiệm vụ của nhóm 1, nhóm “biểu lộ cảm xúc qua khuôn mặt”, là phải quên đi sự mệt mỏi và căng thẳng để luôn tươi cười và thân thiện với những hành khách bị thất lạc hành lý nhằm giúp họ vơi đi nỗi muộn phiền. Nhiệm vụ của nhóm 2, nhóm “biểu lộ cảm xúc bằng nội tâm” là ngồi trò chuyện, chia sẻ để thấu hiểu nỗi buồn và tìm sự đồng cảm với những hành khách không được may mắn này.
Kết quả: Nhóm thứ 2 đạt hiệu quả cao hơn hẳn.

Nguyên nhân nằm ở chỗ: những nhân viên này đã biết cách áp dụng những cảm xúc đời thường vào đúng những tình huống cần thiết trong giao tiếp với khách hàng, điều này làm họ trở nên gần gũi và đồng cảm hơn với các vị khách đang bị thất lạc hành lý.

Cuộc nghiên cứu trên đây là một bài học về việc thể hiện cảm xúc đúng cách. Thay vì cứ phải “bằng mặt mà không bằng lòng”, hãy trải lòng ra với các đồng nghiệp trong mọi tình huống khó khăn để cùng nhau sẻ chia, đồng cảm và vượt qua những trở ngại.

Theo Vietnamworks