Lấy lại thiện cảm của nhà tuyển dụng

Phạm phải sai lầm nghiêm trọng trong buổi phỏng vấn khiến bạn bối rối và lo lắng vì nhiều khả năng sự nỗ lực của bạn trong suốt thời gian tuyển dụng trở thành công cốc. Bạn cứ ước gì cho thời gian quay trở lại để không mắc lỗi nhưng lại không hề nghĩ tới cách chấp nhận việc đã rồi mà tìm cách khắc phục. Thực tế, “chuộc lỗi” cũng là một biện pháp rất hữu hiệu nếu bạn biết cách ứng dụng những bí quyết sau:
Nói lời xin lỗi
Theo Marc Dorio – tác giả của “Bí quyết khắc phục sự cố để có một buổi phỏng vấn hoàn hảo”, mọi người thường sẵn sàng tha thứ, bỏ qua mọi sai lầm hơn bạn nghĩ, miễn là bạn chủ động đưa ra lời xin lỗi một cách chân thành: “xin vui lòng tha thứ cho tôi”. Sự trung thực, thẳng thắn nhận sai lầm sẽ khiến nhà tuyển dụng có cái nhìn thiện cảm hơn với bạn.
Dorio cũng cho rằng, sau khi đưa ra lời xin lỗi, bạn nên rút ra bài học cho mình. Chẳng hạn, khi bạn đến trễ so với lịch hẹn phỏng vấn, bạn xin lỗi nhà tuyển dụng và nói thêm: “Bây giờ tôi mới biết là đi lại trong thành phố lại phức tạp và mất nhiều thời gian đến thế”.
Đừng quá để ý đến sai lầm
Nếu bạn vô tình nói ra điều gì đó không đúng trong buổi phỏng vấn, Linda Matias – chủ tịch CareerStrides.com cho rằng, bạn nên giải quyết ngay bởi “nếu không hóa giải rắc rối này, suốt cả buổi, ứng viên cứ để tâm vào lỗi của mình và mọi việc không suôn sẻ được”. Vì thế, cách tốt nhất là thể hiện sự hối lỗi ngay lập tức rồi thoải mái quay trở lại với những nội dung tiếp theo.
Độc lập suy nghĩ
Hoảng hốt là tâm lý dễ hiểu khi phạm phải sai lầm nhưng lúc này, bạn cần lấy lại bình tĩnh càng nhanh càng tốt. Nếu bạn vô tình xuất hiện tại một buổi phỏng vấn mà không mang theo hồ sơ như yêu cầu, hãy hẹn nhà tuyển dụng một buổi khác để hoàn thiện hồ sơ. Còn ngay bây giờ, bạn vẫn có thể tiếp tục buổi phỏng vấn, để trao đổi về kinh nghiệm, kỹ năng, quá trình công tác của bạn, đánh giá sự phù hợp của bạn với vị trí nhà tuyển dụng đang tìm kiếm.
Không bao giờ là quá muộn
Nhiều người nghĩ rằng, chú ý đến lỗi trong khi phỏng vấn quả là một điều khủng khiếp nhưng công nhận sai lầm sau khi xong việc chỉ tăng khả năng bị loại mà thôi. Tuy nhiên, theo Scanlan, đôi khi, tình hình vẫn có thể thay đổi, đừng bao giờ nghĩ rằng đã là quá muộn để nhận lỗi.
Nếu bạn cảm thấy đã tạo ấn tượng xấu, phạm một lỗi nghiêm trọng trong cách trò chuyện hoặc vô tình xúc phạm đến người phỏng vấn, bạn có thể giải quyết vấn đề trong một lá thư cảm ơn sau khi kết thúc buổi phỏng vấn. Matias khuyên rằng: “Ứng viên có thể gửi thư phản hồi sau buổi phỏng vấn, một mặt là cảm ơn nhà tuyển dụng đã dành thời gian cho bạn. Mặt khác, đó là lời xin lỗi cho sai lầm đáng tiếc bạn đã gây ra”.
Chuẩn bị chu đáo
Dù vẫn có nhiều cách chuộc lỗi nhưng cách tốt nhất vẫn là không vướng phải những sai lầm đó. Vì vậy, tốt nhất là nên dành thời gian chuẩn bị chu đáo trước khi đối diện với nhà tuyển dụng.
Bạn nên thực hành trước với một “nhân vật đóng thế” nhà tuyển dụng, tiến hành mọi thủ tục cần thiết như khi bước vào buổi phỏng vấn thực sự. Từ đó, bạn sẽ nhận ra mình cần thay đổi, bổ sung thêm điều gì để có một buổi phỏng vấn hoàn hảo.

Theo Socola