Để thuận mua, vừa bán M&A

Không chỉ là phương án để mở rộng doanh nghiệp (DN), hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) còn được xem là giải pháp giúp DN có thể tránh được rủi ro phải đóng cửa trong tình cảnh khó khăn hiện nay.
Diana – ba điểm đặc biệt
Được xem là thương vụ thành công nhất châu Á năm 2011, cho tới hiện nay, câu chuyện ông lớn trong ngành cung cấp các chế phẩm tiêu dùng từ giấy là Unicham, Nhật Bản mua lại thành công thương hiệu Diana của Việt Nam vẫn còn khá nhiều ẩn số.
Tại hội thảo “Mua bán, sáp nhập doanh nghiệp – Con đường tất yếu để “cất cánh”?” do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức, theo ông Đỗ Vũ Trung, Phó tổng giám đốc Công ty Diana, Unicham là một thương hiệu lớn, thường chiếm đến 25% thị phần ở nơi họ có mặt.
Việc một thương hiệu không có “tiền sử” mua lại, luôn xây dựng nhà máy, hệ thống phân phối… ở quốc gia họ xuất hiện trả gần 130 triệu USD để sở hữu một thương hiệu bản địa là chuyện lạ thứ nhất.
Thứ hai, việc Unicham mua lại Diana nhưng không đổi tên, không thay thương hiệu, cũng không sáp nhập mà giải thể luôn sự có mặt của đại diện Unicham ở Việt Nam, thay vào đó là để Diana hoạt động. Và điểm đặc biệt nhất là vào thời điểm bán, hoạt động của Diana không hề khó khăn mà ngược lại, tăng trưởng rất tốt…
“Khác với suy nghĩ của nhiều người hiện nay, M&A không hẳn là câu chuyện thâu tóm DN. Nó đơn thuần là một thương vụ có thể mang lại lợi ích cho cả bên mua và bên bán”, ông Trung chia sẻ.
Ông Đỗ Thanh Năm, Giám đốc Công ty Tư vấn và Hỗ trợ chiến lược Win Win, cho rằng, M&A cũng có thể là giải pháp thoát cái khó trong thời điểm hiện nay. Chỉ trong trung tuần tháng 5/2012 đã có đến 3 DN tìm đến ông để nhờ tư vấn các thủ tục tiến hành giải thể vì không thể cầm cự qua cơn khó của nền kinh tế.
“Đây là cách làm thường thấy của DN Việt Nam nhưng DN Việt quên rằng, nếu tiến hành M&A, họ có khả năng “vớt vát” về mặt giá trị cho DN thay vì mất trắng”, ông Năm nhấn mạnh.
Lý thuyết là vậy nhưng thực tế, M&A cũng là câu chuyện phức tạp và mất nhiều công sức của DN. Ông Hoàng Xuân Chính, Giám đốc Đầu tư Saigon Asset Management (SAM), cho biết, việc thâu tóm, sáp nhập thành công hay không không chỉ có bên mua, bên bán, mà còn phải có vai trò của công ty tư vấn.
Thông thường, phải mất từ 6 tháng đến 1 năm, có khi 2, 3 năm. Theo ông Chính, hiện nay kinh tế Việt Nam ở buổi bình minh nên các DN nước ngoài để mắt đến DN Việt khá nhiều.
Do vậy, khi đã có ý định M&A thì bên bán nhất thiết phải chuẩn bị về mặt thông tin. Để tránh mất thời gian thương thảo, tốt nhất DN cần chia sẻ thẳng từ đầu mong muốn của mình.

30 triệu USD không mua được Mỹ Hảo
Cũng như các thương vụ khác, vấn đề quan trọng của M&A luôn là giá trị. Ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch Công ty CP Giấy Sài Gòn, khẳng định: “M&A là nhìn về giá trị tương lai nhưng định giá trong quá khứ, kết quả hoạt động cụ thể DN đã và đang có”.
Năm 1995, trong làn sóng thâu tóm thương hiệu hàng tiêu dùng Việt, Unilever, một DN nước ngoài, cũng là đối thủ cạnh tranh của Mỹ Hảo, đã trả giá để sở hữu thương hiệu Mỹ Hảo. Câu trả lời của ông Lương Vạn Vinh, Tổng giám đốc Công ty Mỹ Hảo, là “không”.
Gần 5 năm sau đó, cái giá để Unilever thương lượng lên đến 10 triệu USD và cách đây 3 năm là 30 triệu USD nhưng câu trả lời vẫn như cũ. “Sở dĩ sau ngần ấy thời gian, giá trị đối tác dành cho Mỹ Hảo ngày càng cao là do chúng tôi vẫn tiếp tục mở rộng và phát triển DN”, ông Vinh tiết lộ.
Theo ông Vinh, từ khi được đề nghị M&A, biết đối thủ cạnh tranh mạnh và mình thì chưa có hệ thống phân phối mà chỉ có đại lý, ông đã tiến đến xây dựng hệ thống phân phối để bán hàng tốt hơn. Do vậy, dù không bán nhưng khi định giá, Mỹ Hảo cũng đã nâng được giá trị của mình lên nhiều lần.
Theo ông Trung, khi đã có ý định M&A, DN cần đặt cho mình lộ trình từ 1-3 năm. Cụ thể với câu chuyện Diana, ban lãnh đạo đã tiến hành xây dựng ISO để quy trình làm việc chuyên nghiệp hơn.
Diana cũng trang bị ERP, quy trình kiểm soát nội bộ, cố gắng xây dựng kênh phân phối, tốt nhất là trong top 3 ở thị trường. Tháng 3/2008, Diana chuyển gần 30% cổ phần cho quỹ đầu tư Pháp…
“Sau khi chuyển cổ phần cho quỹ đầu tư, Diana có vốn để mở rộng đầu tư, xây dựng nhà máy ở Bắc Ninh. Nhờ mở rộng nên khi thương thảo, giá trị của Diana cao hơn hẳn”, ông Trung nhận xét.
Cũng theo ông Trung, DN bán chỉ cần đủ lực thì có thể làm giá, bởi M&A là bán tiềm năng tương lai. Đặc biệt, nếu cả bên mua và bên bán cùng thống nhất về chiến lược phát triển sản phẩm, thương hiệu… thì sẽ tạo nên cộng hưởng lớn cho giao dịch M&A.
Ông Trung cảnh báo: “Trong thương thảo giá của thương vụ, DN cần tránh việc “già néo đứt dây”. Lúc này, sự nhạy cảm của người cầm trịch công ty là rất quan trọng”. 

Hạn chế rủi ro
Được xem là giải pháp có tính “thời thượng” và hội nhập nhưng M&A cũng đang tồn tại những mặt trái như: độc quyền, lũng đoạn, chuyển giá nội bộ… Tuy nhiên, theo ông Trung, đây là vấn đề bình thường, quan trọng là DN phải biết hạn chế rủi ro ngay từ ban đầu. Để đảm bảo rủi ro tài chính, DN không nên ngụy tạo, che giấu tài chính cũng như không nên đảm bảo tuyệt đối các kỳ vọng tương lai của DN. 
Không dừng lại ở đó, theo ông Ryan Walter Galloway, Phó chủ tịch HĐQT Công ty TNHH AUXESIA, tính bảo mật của thông tin và nhất là thời điểm công bố thông tin về thương vụ cũng hết sức quan trọng.
Để phòng ngừa rủi ro rò rỉ thông tin, tốt nhất nên yêu cầu bên mua thành lập phòng dữ liệu, trình bày bằng tài liệu giấy, không được phép mang đi và chỉ có một số người có thẩm quyền tham khảo, tránh gửi thông tin qua email…, bởi đã có khá nhiều DN nước ngoài muốn thâm nhập thị trường tìm hiểu thông tin qua cách M&A giả.
Tốt nhất, DN nên ký kết bảo mật thông tin trước khi chia sẻ thông tin về DN. Tuy nhiên, bà Ngô Thị Báu, Phó tổng giám đốc Công ty thời trang Foci, cho biết, trong trường hợp M&A không thành công, dù có hợp đồng bảo mật thông tin vẫn có thể gây bất lợi cho DN bởi thiếu chế tài cụ thể.
Rõ ràng, vì còn quá mới mẻ nên M&A vẫn đang là thách thức đối với DN Việt Nam. Tuy nhiên, không thể phủ nhận M&A có khả năng mang lại yếu tố tích cực cho nền kinh tế.
Cụ thể, Unicham sau tiếp quản Diana đã tăng sức cạnh tranh và hiệu quả quản trị rất tốt, giúp sản phẩm Việt Nam ra nước ngoài, giúp tái cấu trúc, mở rộng bản thân Diana. Như lời chuyên gia tư vấn thương hiệu Đoàn Đình Hoàng, nhu cầu M&A vẫn đang có và còn rất lớn. Vấn đề làm thế nào nắm bắt được phải chuẩn bị thật tốt.
Giá trị thương vụ M&A quý I/2012 ước đạt 1,5 tỷ USD
Các con số thống kê từ các tổ chức nghiên cứu M&A như: ThomsonReuter, IMAA và AVM Vietnam cho thấy, năm 2011, tổng giá trị các thương vụ M&A đạt 4 tỷ USD, tăng trưởng ấn tượng so với con số 1,7 tỷ USD năm 2010. Trong đó, trên 2,6 tỷ USD là các giao dịch liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài.
Riêng quý I/2012, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD trong tổng giá trị 92,4 tỷ USD của cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương (không bao gồm Nhật Bản). Theo đánh giá, Việt Nam đứng thứ 8 trong số các quốc gia có hoạt động M&A sôi động nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Dự kiến tốc độ tăng trưởng của hoạt động này trong thời gian tới sẽ tiếp tục ở mức trên 30%. Các ngành thuộc lĩnh vực tài chính – ngân hàng, tiêu dùng và bất động sản tiếp tục là mục tiêu M&A hấp dẫn nhất. Trong đó, các nhà đầu tư Nhật Bản đang có xu hướng đầu tư mạnh vào ngành hàng tiêu dùng và tài chính.

Theo Phương Quyên