Bạn rất ngại tham gia những cuộc gặp gỡ? Bạn cảm thấy khó khăn trong việc xây dựng các mối quan hệ xã hội?
Xây dựng mối quan hệ xã hội không có nghĩa là ngay lập tức hỏi thăm ai đó về cơ hội việc làm tại các ngày hội nghề nghiệp. Theo nghĩa chính xác nhất của từ này, xây dựng quan hệ xã hội chính là kết bạn và giao tiếp.
Gia đình, bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp cũ và mới đều là những nhân tố trong mạng lưới quan hệ xã hội của bạn. Tương tự cho bất cứ đối tượng nào bạn đang có quan hệ và thực sự quan tâm về họ.
Sự quan tâm – Chìa khóa để xây dựng quan hệ
Để có một mối quan hệ xã hội tốt, bạn phải là người biết quan tâm đến người khác. Sự quan tâm này có thể được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, bạn nhớ ngày sinh nhật, những ngày kỷ niệm quan trọng khác của bạn bè, thể hiện sự cảm kích với những thành công bạn bè đạt được hay gửi thư cảm ơn họ vì đã giới thiệu bạn với ai hoặc giúp bạn việc gì.
Ngoài ra, bạn cần giữ liên lạc thường xuyên với bạn bè qua email, mạng cộng đồng, điện thoại và các buổi họp mặt thân mật. Mỗi tuần, bạn nên đặt mục tiêu gửi email hỏi thăm cho một người bạn quen (hoặc một người bạn muốn thiết lập quan hệ) và gọi điện ít nhất một lần cho một người bạn khác. Ngoài ra, hãy hẹn bạn bè ăn trưa mỗi tháng ít nhất một lần, hoặc chỉ đơn giản là uống cà phê. Nếu bạn không quen với những việc này, hãy ưu tiên ghi chúng vào danh sách những việc cần làm để dễ nhớ.
Hãy là người khởi xướng các hoạt động!
Một cách tuyệt vời để xây dựng các mối quan hệ xã hội là tham gia các sự kiện. Tuy nhiên, bạn hãy rủ mọi người tham gia những hoạt động vui chơi thân mật, hơn là tham dự các sự kiện mang tính trang trọng nhưng vô bổ.
Bạn có thể thành lập câu lạc bộ những người mê đọc sách, thích nấu ăn hay một nhóm đi bộ trong công ty; cùng đồng nghiệp ăn trưa hoặc tổ chức một đi chơi toàn công ty. Bạn cũng có thể rủ bạn bè đến nhà chơi, ăn tiệc tối hay tiệc nướng ngoài trời. Hãy khuyến khích mỗi người khách đến dự tiệc đi cùng với một người bạn mới. Việc khởi xướng những hoạt động tập thể như thế sẽ giúp bạn thiết lập quan hệ xã hội một cách dễ dàng mà không kém phần vui nhộn.
Chủ động kết nối với những người “đồng điệu”
Việc tích cực tham gia các hoạt động cũng quan trọng như khởi xướng. Tận dụng sở thích của bản thân cũng là một cách để mở rộng các mối quan hệ. Chẳng hạn, nếu thích chơi golf, bạn đừng rủ người quen đi cùng mà hãy đến sân một mình rồi kiếm 3 người lạ để mời họ cùng chơi. Mỗi lần như vậy, bạn lại có thêm 3 người bạn mới. Nếu thích làm đồ gốm hoặc học ngôn ngữ ký hiệu (sign language), bạn hãy tham gia một khóa học sau giờ làm việc để có có hội tiếp xúc với những người “đồng điệu”. Chắc chắn sau khóa học, bạn sẽ kết bạn được với ít nhất một hay hai người.
Ngoài ra, rèn luyện thân thể tại các trung tâm thể dục hoặc tham gia vào các hoạt động chính trị – xã hội ở địa phương cũng là những cách lý tưởng khác để giao tiếp và kết bạn. Đồng thời, bạn cũng đừng quên gửi email thăm hỏi tới mỗi người bạn gặp gỡ và mời họ vào mạng cộng đồng của bạn để dễ dàng giữ liên lạc và xây dựng mối quan hệ lâu dài.
Trở thành “cầu nối” đáng tin cậy
Một trong những cách hay nhất để trở thành một người bạn tốt và một người xã giao giỏi là trở thành “cầu nối” của các mối quan hệ. Thay vì chỉ chú tâm vào việc những người quen và bạn bè có thể giúp bạn ra sao, hãy suy nghĩ xem bạn có thể giúp họ như thế nào. Chú ý khi ai đó nói với bạn rằng họ đang muốn mở rộng hoạt động kinh doanh sang một ngành nào đó hoặc họ đang tìm kiếm nhân sự với những kỹ năng chuyên sâu. Sau đó, bạn hãy nhớ lại xem có ai bạn quen có thể giúp họ không? Có ai thân với bạn có thể nắm bắt được cơ hội này không?
Trở thành cầu nối như thế, có thể bạn sẽ không thấy được lợi ích ngay tức thì cho bản thân và những tham vọng nghề nghiệp của bạn. Nhưng đến khi có việc cần, bạn sẽ thấy rõ giá trị của mạng lưới quan hệ xã hội rộng.
Theo Hotjobs.yahoo.com