Hình thức kinh doanh chuỗi

Một cửa hàng Phở 24, mô hình kinh doanh theo chuỗi.Đối với mô hình chuỗi, phải đáp ứng được 3 yếu tố: thương hiệu độc đáo, quy mô lớn và phương pháp quản lý tốt. Những khó khăn cũng bắt nguồn từ những yếu tố này.
Tập đoàn TDMobile (thuộc Toyota, Nhật) là thương hiệu kinh doanh theo chuỗi bán lẻ di động lớn nhất Nhật với hơn 300 siêu thị tại Nhật. Ông Koji Ikami, Giám đốc Điều hành của TDMobile, cho rằng tiềm năng để mở rộng mô hình kinh doanh theo chuỗi của Việt Nam còn rất thênh thang. Do đó, TDMobile đã ký kết hợp tác với siêu thị bán lẻ di động Viễn Thông A để tăng cường sự có mặt của TDMobile tại Việt Nam và có định hướng cũng như những hỗ trợ về mặt kinh nghiệm cho Viễn Thông A.
Tiềm năng rộng mở
Mô hình kinh doanh theo chuỗi không phải là mới. Nhiều tên tuổi lớn đã phát triển mô hình này và nhân rộng ra khắp thế giới như KFC, McDonalds. Hiện tại, kinh doanh theo chuỗi tại Việt Nam cũng đang phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt là những mặt hàng như kinh doanh đồ điện tử, điện thoại với các gương mặt như Thế Giới Di Động, Viễn Thông A, Phước Lập Mobile…
Có 2 hình thức kinh doanh theo chuỗi hiện nay, đó là tự phát triển và nhượng quyền (franchise). Trong đó, franchise chiếm ưu thế vì tốc độ phát triển nhanh chóng. Franchise biến thành một mục tiêu mà hầu như các nhà kinh doanh theo chuỗi đều muốn nhắm tới. Ở Việt Nam, đã có rất nhiều thương hiệu thực hiện tốt hình thức kinh doanh này như Phở 24, nhãn hiệu thời trang NinoMaxx, Foci, cháo Cây Thị… Được tiếp sức từ nguồn vốn của các quỹ đầu tư, các thương hiệu này nhanh chóng mở rộng quy mô cũng như sức ảnh hưởng của thương hiệu để chiếm lĩnh thị trường.
Mô hình kinh doanh chuỗi là mô hình chuẩn về thương hiệu đồng nhất. Lợi thế là doanh nghiệp sẽ có được sự nhận diện thương hiệu tốt từ người tiêu dùng, bành trướng nhanh và có cơ hội vượt mặt đối thủ. Trường hợp của Mai Nguyên Mobile là một ví dụ. Doanh nghiệp này có mặt sớm ở thị trường bán lẻ di động TP.HCM nhưng nhanh chóng bị các gương mặt mới như Thế Giới Di Động hay Viễn Thông A qua mặt. Kết quả, Mai Nguyên chuyển sang kinh doanh dòng cao cấp còn các đối thủ thì miệt mài mở ngày càng nhiều chi nhánh. Ông Mai Triều Nguyên, Giám đốc Mai Nguyên Luxury Mobile, thừa nhận Mai Nguyên không đủ tiềm lực để có độ phủ như đối thủ và doanh thu 4 chi nhánh của Mai Nguyên chưa chắc đã bằng 1 siêu thị của họ.
Hơn thế, kinh doanh chuỗi doanh nghiệp mới mua được hàng giá sỉ trong khi giá bán ra có thể ngang bằng hoặc có thể cạnh tranh về giá với các thương hiệu khác để thu hút khách hàng và đạt biên lợi nhuận lớn hơn. Có nhiều cửa hàng thì tất nhiên thương hiệu của doanh nghiệp sẽ xuất hiện với tần số dày đặc kéo theo đó là chi phí marketing cũng giảm xuống so với việc marketing cho nhiều cửa hàng riêng lẻ.
Những cản trở trên đường mở chuỗi
Một trường hợp thất bại nhanh chóng nhất trong kinh doanh theo chuỗi là Masan Mart. Năm 1996, chuỗi 25 cửa hàng Masan Mart nhanh chóng thất bại trong vòng chưa đến 2 năm sau khi ra đời. 25 tỉ đồng đầu tư cho chuỗi 25 cửa hàng bán lẻ này đã đổ sông đổ biển và Masan Mart lặng lẽ rời thị trường khi chưa kịp tạo dấu ấn gì.
Ngay cả doanh nghiệp được xem là thành công trong mô hình kinh doanh theo chuỗi và franchise là Phở 24 cũng có lúc gặp khó khăn đến mức phải đóng cửa một vài nhà hàng. Có trường hợp Phở 24 phải đóng cửa như tại London do khác biệt về văn hóa hay đóng cửa Phở 24 Huế do khác biệt về cách chi tiêu. Lý Quí Trung, ông chủ của chuỗi cửa hàng Phở 24, cho biết thời gian qua có một vài tiệm Phở 24 phải dời đến mặt bằng khác hoặc đóng cửa do chủ nhà tăng tiền thuê, lấy lại mặt bằng hoặc do tiệm nằm trên con đường bị lô cốt chắn ngang trong thời gian dài, đường đang 2 chiều lại quy hoạch chuyển sang 1 chiều…
Ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Left Brain Connectors, cho rằng đối với mô hình chuỗi, ông cho rằng, doanh nghiệp phải đáp ứng được 3 yếu tố thì hiệu quả kinh doanh mới có thể được tối ưu, đó là tính độc đáo về thương hiệu, quy mô hệ thống và phương pháp quản lý.
Những khó khăn của kinh doanh chuỗi cũng sẽ bắt nguồn từ những yếu tố này. Để đạt được lợi nhuận, doanh nghiệp phải phát triển chuỗi đạt đến một quy mô nhất định tùy theo mặt hàng. Mà để phát triển quy mô lớn thì gặp rất nhiều khó khăn, có khi mở 2 cửa hàng lại phải đóng cửa 1 cái vì kinh doanh không tốt. Nhưng áp lực mở rộng luôn luôn có vì có quy mô đủ lớn mới đạt đến hiệu quả tốt nhất.
Một vấn đề nữa là khi quy mô càng lớn thì quản trị càng phức tạp. Doanh nghiệp sẽ đau đầu về công tác quản lý hoặc tốn chi phí vào các hệ thống quản trị. Chi phí mặt bằng cũng là một thách thức lớn cho việc kinh doanh theo chuỗi. Mặt bằng là yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp bán lẻ nói chung. Ngoài việc giá mặt bằng cao, doanh nghiệp càng mở nhiều chuỗi thì càng tốn những khoản tiền chết để đặt cọc mặt bằng. Bán lẻ yêu cầu mặt bằng đẹp, rộng do đó những khoản tiền này thường rất cao mà lại không sinh lãi được. Ví dụ như hệ thống lẩu nấm Ashima, có cửa hàng giá thuê đến 200 triệu đồng/tháng, trả một lần nhiều tháng và nhiều cửa hàng, do đó số tiền chết sẽ càng nhiều.

Theo Lan Ca