Bất lợi của ứng viên hay nhảy việc
Có hai dạng ứng viên nhảy việc: dạng “nhảy cóc” (tiếng Anh là “leap frog”) và ứng viên thay đổi công việc qua nhiều lĩnh vực khác nhau. Ứng viên “nhảy cóc” là ứng viên đổi việc “xoành xoạch” trong một thời gian ngắn ở cùng lĩnh vực, còn ứng viên dạng thứ hai thích “thử sức” mình qua qua nhiều lĩnh vực khác nhau. (Tiếp theo phần 5 – NTD “kỵ” điều gì nhất ở ứng viên?)
Đối với dạng ứng viên “nhảy cóc”, NTD không đánh giá cao sự gắn bó và trung thành của ứng viên đối với công ty. Một ứng viên nhảy việc quá nhiều làm sao thuyết phục được với NTD rằng họ sẽ trung thành với công ty sau khi được tuyển dụng? Tuy nhiên, theo chị Trang, “Nếu ứng viên dạng “leap frog” nộp đơn ứng tuyển, chúng tôi vẫn dành cho họ cơ hội như các ứng viên khác. Điều chúng tôi quan tâm nhất vẫn là liệu ứng viên có đủ khả năng hoàn thành tốt công việc hay không. Dĩ nhiên, chúng tôi vẫn quan ngại sự trung thành của họ đối với công ty. Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu ứng viên gặp đúng công việc mà họ mơ ước, cảm thấy hoàn toàn hài lòng với công việc này thì có lẽ tư tưởng “nhảy việc” của họ sẽ không còn nữa.”
Đối với dạng ứng viên nhảy việc thứ hai, điều khiến NTD băn khoăn nhất vẫn là “Ứng viên này chuyên về lĩnh vực nào đây?” Đó là trường hợp của ứng viên A. Ứng viên này chuyển việc qua nhiều lĩnh vực hoàn toàn không có “dây mơ rễ má” gì với nhau: 5 năm trước làm trong lĩnh vực Tài chính, 2 năm sau làm Nhân sự, và thời gian gần đây làm Sales. Ứng viên này sẽ gặp bất lợi vì NTD sẽ đặt dấu chấm hỏi lớn về kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu của ứng viên, cũng như sự trung thành gắn bó của họ đối với công ty.
Bạn có nên che giấu những khoảng trống thời gian trong hồ sơ tìm việc?
Thông thường các ứng viên tìm mọi cách để không thể hiện những khoảng trống thời gian làm việc, vì họ không muốn NTD đặt dấu chấm hỏi về khoảng trống đó. Tuy nhiên, bạn đừng ngại nói thật với NTD, hãy thẳng thắn trình bày lý do: đó là khoảng thời gian bạn không tìm được việc làm mong muốn, công ty cũ của bạn giảm biên chế rất nhiều nhân viên, và bạn không may nằm trong số đó… Thông thường NTD không bắt ứng viên nói ra nguyên nhân vì sao họ có những khoảng trống này, nhưng nhiều ứng viên vẫn tìm cách che dấu nguyên nhân của những khoảng trống này. Theo chị Trang “Ứng viên không nên làm thế vì người phỏng vấn sẽ có cách để biết được sự thật đàng sau những khoảng trống thời gian này. Tôi đánh giá cao những ứng viên nói thật. Điều quan trọng vẫn là ứng viên có đủ khả năng để hoàn thành tốt công việc hay không mà thôi.”
Theo Vietnamworks