Du học là xu hướng ngày càng được nhiều trí thức trẻ lựa chọn. Đó là những bạn trẻ dám nghĩ dám làm và sẵn sàng đầu tư cho việc học không ít tốn kém. Họ hy sinh công việc hiện tại mang đến thu nhập không nhỏ để đi học với ước mong một ngày không xa có được những kiến thức tiên tiến quý báu. Sau khi thành danh, họ được cả doanh nghiệp nhà nước lẫn nước ngoài “săn đón” với nhiều cơ hội thăng tiến và mức lương hấp dẫn.
Đầu tư xa cho tương lai
Không ít bạn trẻ ngày nay đã chọn con đường du học nước ngoài để làm mới bản thân.
Đang đảm nhận vị trí thư ký giám đốc cho một công ty kinh doanh vật liệu xây dựng với mức lương hơn 5 triệu đồng/tháng, Lê Mai Thy vẫn quyết định nghỉ việc để sang Úc du học chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh.
Thy cho biết: “Tôi ’săn‘ được học bổng AusAID do Chính phủ Úc tài trợ. Tôi nghĩ đây là cơ hội tốt cho mình. Nếu không tự “nâng cấp” sẽ khó phát triển nghề nghiệp sau này”.
Nguyễn Hồng Yên là thư ký của một văn phòng đại diện, hiệp hội nghề nghiệp quốc tế tại VN. Không dễ tìm được công việc thư ký với mức lương 700 USD/tháng, nhưng Yên vẫn quyết định nghỉ việc để sang Pháp du học. “Tôi theo học ngành quản trị kinh doanh, cuối năm nay sẽ xong. Hy vọng với vốn ngoại ngữ cộng thêm bằng MBA, sẽ không quá khó để tìm được chỗ làm tốt”, Yên nói.
Cách đây 3 tháng, Nguyễn Thị Phương quyết định rời bỏ vị trí trưởng phòng tiếp thị ở một công ty cổ phần, với mức lương gần 20 triệu đồng/tháng. Với 10 năm làm việc ở các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước, giỏi tiếng Anh và chuyên môn, Phương không thiếu nơi tốt hơn để tìm đến. Nhưng cô bỏ tất cả chỉ vì mục tiêu ra nước ngoài học nâng cao.
Phương tâm sự:“Tôi tự thấy mình sẽ bị tụt hậu nếu cứ chỉ lao vào làm việc. Có thể tôi sẽ chậm lại ba năm, nhưng 10 năm sau sẽ gặt hái được kết quả tốt hơn hôm nay. Muốn có việc làm tốt phải tự đầu tư cho mình”.
Xuất ngoại để về làm chủ
Rất nhiều bạn trẻ hiện nay chọn du học nước ngoài với suy nghĩ nếu được đào tạo bài bản trong môi trường giáo dục tiên tiến, trau dồi thêm Anh ngữ thì sau này sẽ có việc làm tốt hơn. Nhưng cũng có không ít người đặt mục tiêu lớn hơn: Học để khởi sự DN của riêng mình.
Nguyễn Thị Thanh Yến từng là công chức trẻ diện biên chế cơ quan Nhà nước nói: “Tôi muốn đi bằng đôi chân của mình, tự mình lập nghiệp chứ không dựa vào thân thế gia đình”. Đó là lý do mà Yến chọn con đường du học với quyết tâm trở về mở DN. Năm 2005, sau khi lấy bằng MBA ở Pháp trở về, Yến vào làm trợ lý cho một công ty nước ngoài, sau đó chuyển sang quản lý cấp cao cho ban quản lý một khu công nghiệp ở TPHCM.
Sau hai năm, Yến hợp tác với một vài cộng sự thành lập công ty cổ phần đào tạo về tài chính, chứng khoán và giữ chức tổng giám đốc. Yến thổ lộ: “Kiến thức học được ở nước ngoài và các mối quan hệ tạo dựng khi về nước đủ cho phép tôi tự tin khởi sự DN”.
“Giấy thông hành” cho tương lai
Mười năm trước, chị Lê Thị Thanh Hà cũng từ bỏ vị trí kế toán trưởng để theo học chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Úc. Trở về, chị được khá nhiều công ty nước ngoài mời gọi. Tám năm qua, chị được trọng dụng vào những vị trí quản lý chủ chốt của Tập đoàn Procter & Gamble (P&G) như: giám đốc tài chính ngành hàng gia dụng khu vực ASEAN tại Ấn Độ và Úc, giám đốc tài chính khu vực cho trung tâm dịch vụ tài chính khách hàng, phó giám đốc tài chính cho P&G tại Úc và New Zealand và hiện tại là giám đốc tài chính P&G tại Việt Nam…
Không phải người nào du học, có bằng cấp quốc tế cũng thành công khi vận dụng kiến thức và kỹ năng học được vào công việc thực tiễn. Thậm chí, có người thay đổi liên tục chỗ làm do không đáp ứng được yêu cầu của DN. Nhưng có một thực tế là trong tình hình hiện nay, khi các DN đỏ mắt tìm nhân tài thì việc du học và có bằng cấp ngoại đã giúp cho các trí thức trẻ nâng cao giá trị của mình trong mắt nhà tuyển dụng.
Theo Vietnamworks