Hãy tưởng tượng bạn đang quan sát một diễn viên nhào lộn trên không… Cô liên tục di chuyển giữa hai thanh xà trên không. Trước khi cô rời bỏ thanh xà này thì một thanh xà mới tiến đến, thật nhanh. Đó là lúc cô phải đưa ra quyết định quan trọng: hoặc sẽ tiếp tục bám lấy thanh xà hiện tại hoặc bắt lấy thanh xà mới đang tiến đến. Chắc chắn cô không thể làm được cả hai việc cùng một lúc. Nếu quyết định “dứt bỏ” thanh xà hiện tại để nắm bắt thanh xà mới thì cô sẽ mất thăng bằng một chút trên không. Điều đó cực kỳ mạo hiểm! Nhưng đó là sự mạo hiểm xứng đáng, vì thanh xà mới sẽ đưa cô về phía trước, đến những khoảng trời rộng mở bao la.
Bạn có bắt gặp mình trong hình ảnh của người diễn viên này không? Chắc chắn bạn đã hoặc sẽ gặp tình huống này ít nhất 1 hay 2 lần trong đời mình. Đó là khi bạn phải quyết định rời bỏ công việc hiện tại để tìm cho mình một công việc mới. Nhưng như câu ngạn ngữ “Cỏ bên kia đồng chưa hẳn xanh hơn”, bạn có chắc đó là một quyết định khôn ngoan?
Để tìm cho mình câu trả lời, bạn hãy trả lời trung thực những câu hỏi sau:
Tại sao bạn muốn đổi việc?
Khi ý nghĩ đổi việc xuất hiện trong đầu, câu đầu tiên bạn phải thành thật hỏi mình là “Tại sao tôi muốn đổi việc?” Có phải vì công việc trở nên nhàm chán, vì bạn muốn mức lương cao hơn và một chức vụ tốt hơn, hay vì bạn muốn dấn thân vào lĩnh vực mới để tìm kiếm công việc mơ ước bấy lâu nay hằng ấp ủ? Hay bạn không hài lòng về những nhiệm vụ “cỏn con” mà bạn đang làm và muốn tìm kiếm một vai trò mới “nặng ký” hơn?
Vì bất cứ lý do “chính đáng” nào chăng nữa, bạn nên nhớ rằng “Cỏ bên kia đồng chưa hẳn xanh hơn”. Tương tự như người diễn viên nhào lộn trên không, bạn cần chắc chắn rằng thanh xà mới sẽ an toàn hơn và sẽ mang bạn đến những “miền đất mới” tươi đẹp hơn. Hãy chắc rằng bạn muốn rời bỏ công việc hiện tại vì những lý do chính đáng và công việc mới sẽ mang đến cho bạn nhiều cơ hội thành công hơn.
Đó có phải là ý nghĩ nhất thời?
“Trời có lúc nắng lúc mưa” vì vậy sẽ có những lúc bạn cảm thấy chán nản với công việc hiện tại vì những lý do không đếm xuể. Bạn có thể phàn nàn về phong cách lãnh đạo “không thể chấp nhận” được của vị sếp mới, vì sự “bất công” của sếp khi phân công nhiệm vụ, vì cấp trên không công nhận thành quả mà bạn đã dày công tạo dựng… Nếu vì những lý do nhất thời này thì bạn nên cân nhắc thật cẩn thận. Đừng vội bỏ việc vì những lý do không đáng trong khi bạn vẫn có cách cải thiện chúng. Hãy trao đổi trực tiếp với sếp của bạn để tìm ra giải pháp thích hợp nhất.
Bạn có còn thích công việc hiện tại của mình?
Hãy liệt kê những lý do chính khiến bạn còn yêu thích công việc hiện tại của mình. Hãy tìm ra điều gì thật sự quan trọng đối với bạn. Hãy hỏi liệu bạn có tiếp tục có những cơ hội hiện tại sau khi bạn chuyển sang công ty mới hay không. Nếu bạn tìm thấy ít lý do để yêu thích công việc hiện tại thì bạn có thể nghĩ đến kế hoạch đổi việc rồi đấy.
Điều tiếp theo cũng không kém phần quan trọng là bạn xác định xem mình thích làm việc trong lĩnh vực nào. Bạn muốn làm công việc như hiện tại hay chuyển sang một lĩnh vực hoàn toàn mới? Nếu bạn muốn phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực hoàn toàn mới thì bạn nên dành ít nhất một năm chuẩn bị các kỹ năng cần thiết trước khi đổi việc.
Bạn đã chuẩn bị tốt để nắm bắt cơ hội mới chưa?
Bạn hiện có những kỹ năng nào và bạn sẽ áp dụng chúng như thế nào trong công việc mới? Hãy “mổ xẻ” trung thực nhé! Liệu khả năng và kỹ năng của bạn có phù hợp với công việc mới hay chúng cần được nâng cao?
Điều này càng quan trọng khi bạn muốn “lấn sân” sang một lĩnh vực hoàn toàn mới. Khi đó bạn phải chứng minh với nhà tuyển dụng rằng bạn có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của công việc mới. Vì vậy, bạn cần trang bị đầy đủ những kỹ năng và kiến thức cần thiết trước khi đổi nghề. Hãy nhớ rằng học để nâng cao kiến thức và kỹ năng là một trong những quyết định đầu tư khôn ngoan nhất. Bạn biết đấy những người có học vị cao thường có thu nhập tốt hơn nhiều so với những người có học vị trung bình.
Nào, sau khi cân nhắc, bạn thấy mình sẵn sàng cho bước chuyển việc chưa? Nếu câu trả lời của bạn là “Có” thì không còn lý do gì để bạn chần chừ! Nhiều người đã thành công khi chuyển sang một nghề nghiệp mới không chỉ nhờ kỹ năng và kiến thức mới học hỏi được. Ở họ bạn sẽ khám phá ra sự tự tin và khả năng sáng tạo không ngừng.
theo Vietnamworks