8X, 9X ngày nay “sáng tạo” ra đủ thứ nghề lạ lẫm để mưu sinh. Điểm chung của những việc không tên này gói gọn trong công thức: năng động + không cần bằng cấp + linh động thời gian + thu nhập ổn; phù hợp với những bạn trẻ đang khát khao kiếm thêm thu nhập trong thời gian còn ngồi ở ghế giảng đường.
Từ 1001 việc làm không tên…
Thảo My – đang học năm II chuyên ngành Marketing – muốn làm việc để tích lũy kinh nghiệm, vốn sống, nhưng ngặt nỗi lại không có chuyên môn, không bằng cấp. Mòn gót qua nhiều công ty, cuối cùng My cũng được chọn làm công việc “mời những VIP (khách hàng tiềm năng) đáp ứng đủ tiêu chuẩn mà nhà cung cấp sản phẩm đề ra đến tham dự hội thảo tại các khách sạn sang trọng”.
Cứ mời được một người, My được trả thù lao 40.000 đồng. Nghe công việc tưởng chừng “nhiêu khê” lắm, nhưng theo lời My thì: “Không đến nỗi khó lắm. Danh sách khách mời có sẵn, điện thoại dùng miễn phí tại công ty, chỉ cần “khua môi” để thuyết phục người ta chịu bỏ một tiếng “vàng ngọc” tới công ty. Mỗi ngày chỉ cần kiếm chừng mươi người là đã đút túi vài trăm nghìn như chơi, một khoản thu nhập không đến nỗi tệ.”
Ngọc Phụng – SV năm I Cao đẳng Mầm Non, vốn cực kỳ yêu trẻ – lại đang say mê với công việc “chọc cho bé vui”. Hết chuốt bút chì, pha màu, Phụng lại bò ra sàn đọc “Donald và bạn hữu” cho bé Phước Thành nghe. Công việc chỉ có vậy, nhưng Phụng lại được trả đến 600.000 đồng/tháng (tuần 4 buổi). Bạn kể: “Mẹ bé Thành chỉ cần mình chơi với bé, chọc cho bé cười, dỗ dành khi bé khóc. Lúc đầu cũng băn khoăn vì sợ bé Thành không thích sẽ “tẩy chay” mình, nhưng làm quen một hai ngày thì mọi chuyện lại đâu vào đấy”.
Và Hạnh, SV ĐH Văn Lang, cho biết: “Mình đang cho mướn… làn da”. Vốn nổi tiếng với làn da đẹp, từng tham gia làm người mẫu cho các câu lạc bộ thời trang tuổi teen, Hạnh có nhiều cơ hội góp mặt trong các chương trình event quảng cáo cho các sản phẩm làm đẹp cho da. Hạnh kể: “Công việc chỉ là thoa kem theo sự chỉ dẫn và khi ra nắng thì không được đeo khẩu trang, để chứng minh sản phẩm có hiệu quả cho làn da. Thoạt đầu mình rất lo vì không biết các sản phẩm ấy có tác dụng ngược với làn da mình không, nhưng sau một thời gian thì… da vẫn như xưa, có khác là sau mỗi chương trình, hầu bao của mình lại rủng rỉnh thêm 500.000 đồng”.
Đến đủ thứ nghề lạ lẫm
Không chỉ mang tính thời vụ, những công việc không tên đôi lúc được nhiều 8X xem là “sự nghiệp”. Minh Cẩn, SV Marketing, đang làm công việc “săn người mẫu”. Hợp đồng yêu cầu cung cấp một ông lão trên 70 tuổi, khỏe mạnh quắc thước, đặc biệt râu tóc phải đẹp và trắng phau để quảng cáo cho một loại mì chay.
Ròng rã cả tuần, Minh Cẩn phải thức dậy từ 4h30 sáng để rảo quanh tất cả các công viên gần nhà với mong muốn tìm được một người vừa ý. Cuối cùng bạn cũng tìm ra một cụ già “3 trong 1” đang ngồi đánh cá bên bờ ao tại công viên Đầm Sen.
Cẩn nói: “Đây là nghề “n trong 1″, đòi hỏi người làm phải có tính kiên nhẫn, tài thuyết phục, có con mắt tinh đời, đồng thời phải có mối quan hệ rộng.” Sau nhiều năm đeo đuổi, Cẩn đã tìm được một “chân” nhân viên casting tại công ty Vietcast với mức lương gần 4 triệu đồng/tháng, cùng hoa hồng phần trăm từ các hợp đồng quảng cáo.
Thử sức với nghề lạ, tại sao không?
Nói chung, những công việc kiểu này rất phù hợp với các bạn sinh viên hoặc những người trẻ năng động không theo học trường lớp, vì chỉ đòi hỏi năng lực mà không cần bằng cấp. Bạn sẽ học được rất nhiều thứ mà trường học không bao giờ dạy. Bạn sẽ biết cách xoay sở, tự tin, có mối quan hệ rộng rãi và tài ăn nói thuyết phục.
Và quan trọng hơn, bạn phải thực sự có trách nhiệm với những việc mình làm, vì người chịu trách nhiệm công việc là chính bản thân bạn. Như lời anh Tô Thanh Sang – chủ nhiệm khảo sát công ty MSV – rút tỉa từ thực tế tuyển dụng: “Trước công việc mới mẻ, bạn đừng ngại khó lắc đầu ngay. Nếu bạn tin vào bản lĩnh của mình thì công việc sẽ giúp bạn phát huy bản lĩnh tiềm tàng ấy”.
Theo Dantri