Sai lầm các nhà quản lý thường mắc phải

Có óc sáng tạo, thành tích vượt trội, kỹ năng tay nghề cao và tận tụy với công việc là những lý do giúp bạn được cất nhắc lên vị trí quản lý, nhưng những phẩm chất đó chưa chắc đã giúp bạn trở thành một nhà quản lý giỏi.
Hầu hết những người mới lên cấp quản lý đều mắc khá nhiều lỗi vì họ đã bao giờ có kinh nghiệm quản lý người khác trước đây đâu. Tuy nhiên, các nhà quản lý mới vào vị trí “manager” vẫn có thể học hỏi từ công việc hàng ngày để tăng cường kỹ năng quản lý của mình.
Dưới đây là bốn lỗi mà quản lý mới thường mắc phải.
1. “Ôm đồm” quá nhiều việc hay không cầu viện sự giúp đỡ 
Khi mới 23 tuổi, Hải đã được sếp chỉ định anh giám sát một dự án phần mềm quan trọng vì anh là một lập trình viên máy tính xuất sắc. Sau khi nhận vị trí mới, anh đã mất hàng đêm không ngủ, một mình ngồi viết mã để đảm bảo mọi việc đều hoàn thành đúng hạn. Hải đã rơi vào một cái lỗi cổ điển mà các nhà quản lý mới mắc phải: đó là tự mình làm quá nhiều việc mà không biết cách phân công cho người khác. Hải thổ lộ “Lẽ ra tôi nên dành thời gian phân công cho nhân viên của mình để hỗ trợ tôi làm các công việc đó. Khi bạn tự làm, bạn đã tước đi cơ hội làm việc của nhân viên. Và dù bạn có giỏi tới đâu, bạn không thể giỏi hơn 20 người cộng lại.”
Một trường hợp khác: Hạnh trở thành quản lý một cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em khi cô 22 tuổi. Làm việc ở cửa hàng suốt cả ngày, quản lý từ 20-25 nhân viên quả là một công việc quá sức với cô. Thế nhưng Hạnh rất ngại nhờ đồng nghiệp giúp đỡ. Cô phải làm việc tới 1h sáng và phải đi làm lại vào 8h sáng hôm sau mà không cho ai biết sự vất vả của mình. 

Theo các chuyên viên, không ngại nhờ đồng nghiệp giúp đỡ mới thể hiện sự trưởng thành ở các nhà quản lý.
2. Giữ việc khư khư 
Đây là vấn đề khá phổ biến ở các nhà quản lý. Nhiều nhà quản lý mới (kể cả các nhà quản lý thâm niên) cho rằng nhân viên của họ không thể làm tốt một số công việc “quan trọng” nào đó, và họ cứ khư khư làm lấy công việc này một mình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhà quản lý có thể phân công những việc này cho nhân viên (trong khi họ vẫn có thể theo dõi tiến trình công việc) để dành thời gian làm việc khác quan trọng hơn. Nếu thực sự nhân viên không thể làm tốt những việc này vì họ cần một kỹ năng đặc biệt nào đó, bạn hãy đào tạo cho họ. Bạn hãy nhớ, là nhà quản lý, bạn cần có năng lực lãnh đạo và quản lý, chứ không phải là người trực tiếp làm một công việc nào đó. Vì vậy, hãy tránh cứ lo chạy hết việc này đến việc khác. Hãy để nhân viên của bạn làm việc, và bạn là NHÀ QUẢN LÝ!
3. Không biết lập kế hoạch 
Một trong những lỗi đáng chú ý của các nhà quản lý mới là họ không có kế hoạch. Kết quả là mỗi khi cấp trên yêu cầu một việc gì, họ lại lo lắng thực hiện và bị đánh giá thấp về năng lực quản lý. Chỉ cần mất nửa ngày để lập ra một kế hoạch, bạn sẽ biết mình phải làm gì và giao việc cho nhân viên như thế nào.
4. Quá dựa vào chức danh 
Có lẽ bài học khó nhất dành cho các nhà quản lý trẻ tuổi là hiểu rằng chức danh không tự nó mang đến sự tôn trọng và tuân lời. Trong công tác quản lý, hành động vang xa hơn lời nói. Nếu bạn thể hiện được năng lực và kỹ năng cần thiết đã đưa bạn đến vị trí quản lý, sự tôn trọng từ nhân viên sẽ sớm đến với bạn.
Một quy tắc quan trọng trong quản lý là khen ngợi nhân viên công khai và chỉ “trách móc” họ khi nói chuyện riêng.

Theo Vietnamworks