Mùa thấp điểm kinh doanh trên thị trường thường diễn ra từ tháng 4 cho đến cao điểm tháng 10, tháng 11. Đây là cơ hội cho người tiêu dùng được mua sắm giá rẻ với nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu không tỉnh táo, các “thượng đế” rất dễ bị “sập bẫy”, tiền mất tật mang.
Đủ “chiêu” kích cầu
Theo quy luật, kể từ sau dịp nghỉ 2/9, hầu hết khách sạn ở những trung tâm du lịch bắt đầu áp dụng giá cho mùa thấp điểm trong năm với mức giảm trung bình 100.000 – 200.000 đồng/phòng/đêm. Riêng các hãng vận chuyển hàng không như Vietnam Airlines, Viet Jet Air… cũng có mức giảm giá vé khoảng 10%… Tận dụng cơ hội này, các doanh nghiệp du lịch đang triển khai nhiều tour, tuyến tham quan có mức giá rẻ nhất trong năm với mức giảm sâu từ 20 – 30% so với thời điểm tháng 8.
Cẩn thận khi mua hàng khuyến mãi là việc không hề thừa.
“Những tour dạng này chỉ thu hút những người ít đi du lịch thôi, chứ người có kinh nghiệm rất lo ngại. Cụ thể, để tiết kiệm tối đa, du khách sẽ bị vắt kiệt sức khi tham quan nhiều nơi và liên tục di chuyển; bị cắt bớt thời gian hoặc tốn thêm thời gian di chuyển không đáng do thời gian khởi hành và kết thúc quá trễ, không hợp lý…”, anh Chữ Huy Tuấn, cựu nhân viên thiết kế tour thuộc Công ty dã ngoại Lửa Việt cho biết.
Hoàn công căn nhà mới xây ở ngay trung tâm TP.HCM, anh Quốc, nhà ở đường Nam kỳ Khởi nghĩa quyết định tìm mua một bếp gas cao cấp. Tìm đến show room của một thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản, anh được nhân viên tư vấn mua một bếp tủ gas là hàng nhập 100% từ Hàn Quốc và do hàng trưng bày nên giá được giảm 25%, tặng kèm một bộ nồi hấp của Nhật. Tuy nhiên khi đem về, anh phát hiện tủ bếp gas là đồ cũ với rất nhiều vết trầy xước, méo mó và bộ nồi hấp là hàng trong nước có giá chưa tới 200.000 đồng/cái.
“Bực quá, tôi đòi trả lại nhưng họ không cho vì họ nói đó là hàng trưng bày chứ đâu phải hàng trong kho mà đòi mới 100%. Vậy là phải chấp nhận mất gần 15 triệu đồng mà phải sử dụng một tủ bếp gas cũ mèm”, anh than.
Cẩn trọng – Không thừa
Có nhiều năm theo dõi thị trường, bà Vũ Thị Bạch Nga – Trưởng Ban bảo vệ người tiêu dùng, thuộc Bộ Công Thương cho rằng, đánh vào thị hiếu muốn mua hàng giá rẻ của đại bộ phận người tiêu dùng, không ít doanh nghiệp đang áp dụng “chiêu” khuyến mãi ngược. Theo đó, giá sản phẩm sẽ được âm thầm nhích lên trước và liền sau đó, doanh nghiệp công bố mức giảm hoặc khuyến mãi tương ứng. Do không có thời gian kiểm chứng, khách hàng vội vàng mua và cuối cùng “dính chưởng”. Doanh nghiệp vi phạm đạo đức kinh doanh vì khuyến mãi như trên đã đi ngược lại quyền lợi của người tiêu dùng”, bà Nga nói thêm.
Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho hay, ngành chỉ mới quản lý được về giá những mặt hàng khuyến mãi với mức khống chế theo quy định chứ rất khó kiểm soát được chất lượng sản phẩm khuyến mãi kèm theo. Thậm chí trong việc kê khai giá, cũng chỉ kiểm soát theo mức giá doanh nghiệp tự kê khai mà chưa có cơ sở hay chế tài xác định hoặc kiểm chứng sự trung thực của doanh nghiệp. Và đây chính là kẽ hở giúp không ít doanh nghiệp lừa dối khách hàng, gia tăng lợi nhuận cho bản thân đơn vị.
Trong bối cảnh như thế, các chuyên gia kinh tế khuyên, người tiêu dùng phải hết sức bình tĩnh, cảnh giác trước những lời “đường mật” của doanh nghiệp. Cụ thể, những mặt hàng thực phẩm khi được giảm giá phải xem kỹ hạn sử dụng, đặc biệt loại đóng hộp hay hàng tươi sống cần chú ý xem còn tươi ngon hay không? Hàng gia dụng, thời trang có giá rẻ bất ngờ phải kiểm tra về tem nhãn, xuất xứ thực sự của sản phẩm và nếu cần, nên có sự đối chứng từ chính hãng. Riêng đối với những mặt hàng điện tử, điện máy… đang bị “bội thực” các chương trình khuyến mãi, người tiêu dùng cũng phải hết sức bình tĩnh, không được vội vàng tin ngay mà dành nhiều thời gian kiểm tra lại giá cả từ những cửa hàng, siêu thị khác xem thực tế giá cả có chênh nhau hay chỉ là “chiêu, trò” của nhà sản xuất.
Theo Kinhtetapdoan