CEO đích thân đi tiếp thị sản phẩm, tham gia hội chợ triển lãm để quảng bá sản phẩm, tìm đối tác… là những cách doanh nghiệp ráo riết triển khai nhằm khơi thông đầu ra cho hàng hóa.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số tồn kho (IPP) tính đến tháng 8 của ngành công nghiệp chế biến tăng 20,8% so với cùng thời điểm năm trước. Đây là vấn đề đang làm đau đầu các doanh nghiệp và cơ quan ban ngành. Hàng tồn kho không được giải quyết thì kể cả lãi vay ngân hàng xuống dưới 10% hay 5% một năm cũng không giúp doanh nghiệp phục hồi. Họ càng vay sản xuất chỉ làm tăng hàng hóa tồn kho và chôn vùi vốn.
Trước sức ép về hàng tồn kho, sức mua suy giảm… một số doanh nghiệp đã tìm cách đa dạng và làm mới sản phẩm. Việc ra mắt một sản phẩm mới và tìm cách tiêu thụ chúng trong bối cảnh này lại càng khó khăn hơn.
Tháng 8, nhiều người khá bất ngờ trước động thái tự đi bán hàng của CEO một công ty đồ uống nổi tiếng tại TP HCM. Để giới thiệu sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng, không chỉ nhân viên mà đích thân vị Tổng giám đốc này tự tay mang những sản phẩm mới đến tiếp thị từng người và từng cửa hàng bán lẻ ở TP HCM, Bình Dương.
Trong khi đó, tại Công ty Giấy Sài Gòn, để giảm thiểu hàng tồn, đơn vị này phải sản xuất chậm lại, trả lương chờ việc cho công nhân và tập trung giảm hàng tồn kho.
Song song đó, công ty tập trung các chính sách và giải pháp ưu tiên cho việc bán hàng, lập kế hoạch thật sát sao để sản xuất và kinh doanh tương thích. Mục tiêu lúc này là bớt lỗ chứ không phải là lợi nhuận khi chi phí đầu vào ngày một tăng, sức mua giảm và không thể lên giá bù đủ cho đầu vào tăng.
Còn theo như lời chia sẻ của ông Trần Việt Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần mỹ thuật Gia Long, doanh nghiệp trong ngành này đang phải tìm mọi cách cải tiến mẫu mã sản phẩm để giải quyết đầu ra. “Đây là khâu ưu tiên hàng đầu của chúng tôi trong bối cảnh này”, ông nói.
Bên cạnh đó, về mặt chính sách, ông Tiến cho rằng Nhà nước nên rốt ráo tháo gỡ khó khăn đầu ra cho ngành. Biện pháp hữu hiệu nhất theo ông là dùng nguồn vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động xúc tiến thương mại (thông qua triển lãm, hội chợ…) trong nước và nước ngoài.
Một quan chức cấp cao của TP HCM cũng nhấn mạnh, trong những tháng tới, thành phố sẽ hỗ trợ đẩy mạnh các biện pháp kích cầu, lãi vay để doanh nghiệp vừa có vốn sản xuất vừa có cơ hội đổi mới thiết bị, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và giúp doanh nghiệp giảm nhanh lượng hàng tồn kho. Theo đó, các biện pháp được đưa ra là mở rộng thị trường tiềm năng, thị trường xuất khẩu truyền thống và chủ động phối hợp với các tỉnh thành khác để xúc tiến bán hàng thông qua các hội chợ, triển lãm…
Tại một hội thảo mới đây, bà Đoàn Thị Quyên, Viện phát triển doanh nghiệp -VCCI cũng đưa ra đề xuất, doanh nghiệp nên tổ chức lại và mở rộng thêm kênh phân phối, chẳng hạn như đưa hàng về nông thôn, giao hàng tận tay tiểu thương… Làm mới phương pháp bán hàng như xuất khẩu online thông qua các trang tin thương mại điện tử, giảm giá bán, tăng cường các chương trình khuyến mãi, chú trọng hơn vào các thị trường xuất khẩu.
Chuyên gia Đinh Thế Hiển góp ý, các chương trình thúc đẩy thị trường nội địa cần tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp để sao cho hàng hóa có thể xâm nhập vào vùng sâu, vùng xa. Chi phí phát sinh cho việc “thâm nhập” này cần được chia sẻ giữa Nhà nước và doanh nghiệp.
“Một khi đẩy được hàng tồn kho đi thì doanh nghiệp mới có tiền để tiếp tục sản xuất. Giải pháp này cũng gián tiếp giúp cho ngân hàng cho vay vốn vì chỉ khi hàng tồn kho của doanh nghiệp được tiêu thụ hết thì họ mới có khả năng để tái sản xuất và mới có nhu cầu vay vốn”, ông nhấn mạnh.
Theo Kinhtetapdoan