Cắn răng giảm giá tới 50% :Bán tài sản trả nợ

Một trong những giải pháp cuối cùng để các doanh nghiệp trang trải nợ nần cũng như tránh phá sản là bán bớt tài sản. Vẫn chưa thể biết các doanh nghiệp có thành công hay không nhưng nếu tình trạng này tạo thành sóng thì cũng để lại nhiều nỗi lo. 

Bước đường cùng
Khi kinh tế khó khăn thì sự phát triển quá nhanh về chiều rộng không tập trung cho thế mạnh và năng lực của mình đã khiến doanh nghiệp phải trả giá đắt khi lãi suất ngân hàng của Việt Nam vào hạng “tốp đầu” của thế giới. Vì vậy, doanh nghiệp nào sử dụng càng nhiều nợ vay hoặc không quản trị được tình hình tài chính hiệu quả thì để có thể tồn tại, doanh nghiệp phải bán bớt hay chuyển nhượng một phần tài sản. Đây là điều không muốn cũng vẫn phải làm.
Ở thời điểm mà các doanh nghiệp không còn đủ sức để làm đẹp các bản báo cáo tài chính nữa thì sự thành thật có thể sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng thanh lý được tài sản. Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên của nhóm doanh nghiệp vận tải biển cho thấy kết quả kinh doanh khá nghèo nàn. Công ty CP Vận tải và cho thuê tàu biển Việt Nam lỗ 37 tỷ đồng; Công ty CP Vận tải biển Việt Nam lỗ 104 tỷ đồng; CTCP Vận tải biển Vinaship lỗ 35 tỷ đồng… Đáng chú ý, một số công ty đã bán tàu, thanh lý tài sản cũ ể vượt qua các thách thức hiện tại, thậm chí là đề cập đến khả năng huỷ niêm yết như Công ty CP Container Phía Nam.
Bên cạnh kinh doanh lỗ thì các doanh nghiệp ngập ngụa trong nợ nần cũng tìm cách “tẩu tán” tài sản của mình để trả nợ.
Một doanh nghiệp trong ngành cà phê là Tập đoàn Thái Hòa cũng đang tính bán bớt tài sản. Hiện nay, Thái Hòa đã bán gần hết dự án Thái Hòa Điện Biên và 51% dự án cà phê tại Lào cho Ngân hàng Hàng hải để trừ nợ. Tập đoàn này cũng lên kế hoạch bán nhiều dự án khác, phần lớn cho các chủ nợ ngân hàng để giảm bớt số nợ phải trả.
Trong hoàn cảnh tương tự, khoản nợ ngân hàng và nợ tiền mua cá của nông dân gần 1.800 tỉ đồng đã đẩy Công ty Thủy sản Bình An (Bianfishco) đến bờ vực phá sản. Công ty này đã tìm mọi cách để giảm nợ và đang có kế hoạch bán nhiều tài sản như nhà máy, các dự án bất động sản… nhưng vẫn đang bế tắc.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc bán tài sản của nhiều doanh nghiệp được coi là động lực chính để cân dối tài chính. Cũng dễ hiểu vì ở thời điểm hiện tại, tiền mặt vẫn quan trọng hơn lợi nhuận. Lợi nhuận không đủ trả lãi vay hoặc chỉ nằm trên giấy do chủ yếu bán hàng thanh toán chậm thì nên cầm tiền mặt trong tay.
Cơ hội cho thâu tóm DN
Theo nhiều DN, nếu đã tính bán thì nên bán sớm. Vì, kinh tế còn khó khăn kéo dài, bán tài sản vào lúc này có khi lại hay nếu nghĩ đến việc cố cầm cự rồi phải bán với giá rẻ hơn trong thời gian tới.
Vì thế, dự báo làn sóng bán tài sản của doanh nghiệp sẽ còn tiếp tục, nhất là doanh nghiệp bất động sản. Có hai đối tượng chính đã và sẽ đi mua tài sản. Đó là các công ty có tiềm lực tài chính mạnh, tuy vậy số này không đáng kể. Đối tượng còn lại và chủ yếu vẫn là các ngân hàng chủ nợ của các doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhiều ngân hàng lớn đã mua lại các tài sản của doanh nghiệp với giá chỉ bằng 50% giá trị thực tế. Mặt khác, thông qua những công ty liên quan, họ cũng mua lại các tài sản thế chấp với giá rẻ để giúp doanh nghiệp có tiền trả nợ, đồng thời giúp giảm nợ xấu ngân hàng. Đa số trường hợp này đều không được công bố, trừ việc thanh lý tài sản của những doanh nghiệp đã không còn cách nào để trả nợ.
Tuy nhiên, từ đây lại dấy lên một lo ngại khác. Đó là tài sản mà doanh nghiệp phải bán lại với giá rẻ sẽ rơi vào tay phần lớn các đối tác nước ngoài, có vai trò của ngân hàng trong đó. Vì khi ngân hàng mua xong và bán lại để thu tiền về, các nhà đầu tư nước ngoài giàu tiềm lực tài chính là đối tượng đầu tiên được họ nhắm đến.
Ví dụ như trường hợp của Bianfishco. Khi Công ty có ý định bán nhà máy, đối tác Hà Lan đã đặt vấn đề. Mặt khác, trước khi Bianfishco công bố tình trạng phá sản, có thông tin cho rằng một đối tác khác từ Đan Mạch đã “lân la” với Ngân hàng Habubank, chủ nợ lớn của Bianfishco, về việc mua lại Công ty.
Trong lộ trình hội nhập kinh tế thế giới, sự cạnh tranh của nhà đầu tư nước ngoài là không thể tránh khỏi. Trong hoàn cảnh nhiều doanh nghiệp trong nước lỗ lã triền miên, không có nguồn thu, các dự án nằm im không thể triển khai thì có giữ cũng không được lợi gì. Nếu nhà đầu tư nước ngoài mua lại một phần tài sản hoặc toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam, chúng ta có thể kỳ vọng họ phục hồi công ty đó nhờ vào tiềm lực tài chính sẵn có cùng với các nghĩa vụ tài chính đóng góp cho ngân sách.
Nhưng nếu ngân hàng không bán được số tài sản doanh nghiệp dùng thế chấp thì sao? Rõ ràng, lúc này ngân hàng sẽ ôm trọn cái khó về mình. Hệ quả trước tiên là nợ xấu sẽ tăng lên. Áp lực này buộc ngân hàng phải tìm cách xử lý. Có nhiều cách để giải quyết nhưng có lẽ chỉ có 2 cách có lợi và nhanh chóng mà ngân hàng có thể áp dụng ngay lúc này.
Nếu tài sản thế chấp là bất động sản có thể làm trụ sở hoặc chi nhánh, ngân hàng có thể thương lượng giá cả với doanh nghiệp. Sau đó ngân hàng sẽ mua lại tài sản này với mục đích làm trụ sở. Nhưng nhìn chung, ngân hàng không cần nhiều trụ sở trong một thời điểm. Trong khi đó, số tài sản thế chấp không phải là ít để ngân hàng có thể lặp lại cách xử lý trên.
Như vậy, chỉ còn lại phương án ngân hàng dùng các công ty liên quan, có thể là những công ty mua bán nợ của mình để mua số tài sản kia. Sau động tác này, khoản mục “dư nợ cho vay” trên báo cáo tài chính riêng lẻ của ngân hàng mẹ sẽ giảm hoặc không còn nợ xấu. Nhưng với báo cáo hợp nhất thì rủi ro này vẫn còn và được ẩn dưới những cái tên khác như “khoản phải thu khác” hay “tài sản có khác”.
Làn sóng bán tài sản đang bắt đầu xuất hiện trong cộng đồng doanh nghiệp, có người bán được, có người chưa. Nhưng trước hết, làn sóng này đang tạo ra nhiều lo ngại. Nỗi lo lớn nhất là số tài sản này sẽ rơi vào tay hầu hết những ông chủ đi thâu tóm với giá rẻ.

Theo Kinhtetapdoan