Ngày nay, thay đổi công việc không còn là việc quá khó nhưng nhiều khi nó lại làm mất kha khá thời gian của bạn. Có một cách đơn giản mà hiệu quả nhưng ít ai nghĩ đến, đó là tìm việc mới ngay ở công ty hiện tại.
Bạn muốn thay đổi công việc, muốn tìm một công ty mới để “nhảy việc” nhất là khi vị trí công việc hiện tại không mấy tiềm năng. Cũng có người muốn “đổi gió” vì công việc hiện tại không phát huy được sở trường. Tình trạng đó dễ tạo cho họ tâm lý “đứng núi này trông núi nọ”, làm việc cho công ty này nhưng lại nhăm nhăm nhìn sang các công ty khác tìm cơ hội và biết đâu lại rơi vào tình trạng “lắm mối tối nằm không”.
Có một cách đơn giản mà hiệu quả nhưng ít ai nghĩ đến, đó là tìm việc mới ngay ở công ty hiện tại. Dạng “bình cũ rượu mới này” áp dụng trong công việc nghe có vẻ không mấy khả quan, nhưng nếu để ý và giành thời gian tìm hiểu về các vấn đề trong công ty hiện tại, những ưu điểm nổi trội cũng như khó khăn vướng mắc các phòng ban đang gặp phải, có thể bạn sẽ tìm ra vị trí mới, phù hợp với năng lực của mình.
Thay đổi vai trò
Nế bạn muốn có một vị trí công việc cao hơn, có thể yêu cầu sếp giao thêm việc cho bạn. Lúc đó, trách nhiệm sẽ lớn hơn nhưng đó cũng là động lực để bạn phấn đấu. Theo Susan Shanklin – nhà tuyển dụng cao cấp cho công ty quảng cáo và kinh doanh trực tuyến Red Ventures, bạn nên phấn đấu hoàn thành tốt mọi công việc ở vị trí hiện tại, sự xuất sắc của bạn sẽ khiến sếp để ý và cân nhắc giao thêm cho bạn những công việc mới. Dù trách nhiệm lớn hơn nhưng nghiễm nhiên, cơ hội cho bạn cũng nhiều hơn. Hoàn thành tốt những gì được giao cũng là cách đưa bạn đến với những công việc mới.
Hơn nữa, ngoài bản mô tả công việc, bản CV thể hiện năng lực, kinh nghiệm của mình, tốt nhất bạn hãy khẳng định mình bằng cách thực hiện tốt những việc “phát sinh”. Lúc đó, chắc chắn sếp sẽ trọng dụng và giao cho bạn nhiều hơn những gì bạn muốn.
Tạo vị trí mới
Ý định tìm việc làm mới, nghề nghiệp mới phù hợp hơn luôn thôi thúc khiến bạn không ngừng mò mẫm ở các trang web cung ứng việc làm, để ý những vị trí còn trống ở các công ty khác. Thậm chí, có người còn cẩn thận hơn, sẵn sàng ghi lại số liên lạc và gọi ngay cho nhân sự công ty ấy, nếu hiện tại họ chưa có nhu cầu, bạn sẽ để lại tên tuổi, địa chỉ. Biết đâu , một ngày đẹp trời ngày đó, công ty sẽ cần tuyển vị trí mà bạn yêu thích.
Nhưng nên nhớ rằng, công việc hiện tại bạn không thích không có nghĩa là ở công ty ấy không có vị trí mà bạn mơ ước.Khi bạn có năng lực, có đủ kinh nghiệm, bạn có thể tự đề đạt và tạo lập vị trí mới do bạn phụ trách nếu thực sự nhìn thấy tương lai. Nếu sếp nhận thấy triển vọng trong ý tưởng mới của bạn, sếp sẽ chẳng ngần ngại giao toàn quyền việc đó cho bạn.
Đó là trường hợp của AJ Ratani – một nhân viên phát triển website cho công ty. Anh nhận ra rằng, ở công ty anh đang làm nên có một bộ phận chuyên phụ trách vấn đề phân tích những triển vọng, hướng đi mới cho các chiến dịch kinh doanh. Sau khi nói chuyện, giám đốc phụ trách kinh doanh hiểu rõ những khó khăn mà đội ngũ này thường xuyên gặp phải, một nhóm mới được thành lập và Ratani lúc này chuyển lên vị trí của một giám đốc điều hành hoạt động kinh doanh. Bây giờ, vị trí của Ratani đương nhiên tồn tại không chỉ ở công ty của riêng anh mà ở rất nhiều công ty theo hướng phát triển kinh doanh khác, giúp cho công ty thu về một khoản lợi nhuận không nhỏ.
Điều chuyển nhân sự
Đôi khi, bạn thích công việc hiện tại nhưng công ty lại có sự điều chuyển nhân sự giữa các chi nhánh hoặc là chuyển đổi địa điểm làm việc vì những lý do riêng. Và trong quá trình chuyển đổi ấy, có thể sẽ có nhiều vị trí mới phù hợp hơn với bạn, miễn là bạn phải chịu khó để ý, tìm hiểu. Khi đó, nếu bạn đề xuất, chắc chắn công ty sẽ xem xét thay đổi công việc cho bạn. Nếu công ty lớn, có nhiều chi nhánh khác nhau, có hội tìm việc làm mới sẽ không quá khó khăn.
Nói chung, dù có chuyển đến đâu, thay đổi nhân sự thế nào, nếu bạn có năng lực, chắc chắn sếp sẽ tìm cách giữ bạn lại và bạn sẽ có được vị trí làm việc như mong muốn. Công việc mới đôi khi bắt đầu từ những điều rất đơn giản.
Theo Bưu điện Việt Nam