Trong vài trường hợp, cách giải quyết tốt nhất là tìm việc mới. Tuy nhiên, nếu vẫn còn tình yêu với công việc đang làm, bạn có thể phấn chấn trở lại chỉ bằng một số thay đổi nhỏ.
Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy bạn đang “quá tải” với công việc:
– Hiện tại là 10 giờ sáng thứ hai nhưng bạn luôn cảm thấy mệt mỏi và chỉ mong chờ tới thứ sáu.
– Trạng thái trong cuộc họp của bạn: không chuẩn bị và cũng không thấy hứng thú.
– Bạn tìm mọi lí do để không hoàn thành dự án đúng hạn thay vì cố gắng hết sức để kết thúc chúng.
– Bạn giả vờ bị ốm và lấy đó làm cớ để không phải đi làm.
– Bạn tránh gặp mọi người vì sợ bị giao nhiều việc hơn.
– Mọi người tránh gặp bạn vì không muốn nghe bạn than thở về phần việc của mình.
– Trong thời gian làm việc, bạn không tập trung và không đạt hiệu quả như mong muốn.
Nếu những dấu hiệu trên không biến mất và dần trở thành thói quen, bạn đang biến mình thành một người chểnh mảng và thụ động. Hãy tìm cách cải thiện tình hình nếu không muốn mọi việc tồi tệ hơn. Thử áp dụng một số lời khuyên sau:
1. Hiểu bản thân mình
Hãy đánh giá cảm nhận của bạn về công việc cũng như cuộc sống. Bạn có thể viết chúng ra hoặc chia sẻ với người khác nhưng đừng giữ lại trong mình. Nếu cứ phớt lờ cảm xúc, bạn sẽ thấy bất lực và lo lắng hơn về tình trạng của mình. Càng sớm xác định được cảm xúc, bạn càng sớm có hướng giải quyết.
2. Tìm nguồn cảm hứng
Hãy đọc một cuốn sách, bài báo hoặc bất cứ thứ gì nói về câu chuyện thành công của một người nào đó. Điều cần tập trung là những giai đoạn thăng trầm của họ trong suốt cuộc hành trình và họ đã cố gắng ra sao nhằm đạt tới mục tiêu. Câu chuyện của họ có thể truyền cảm hứng cho bạn để đối mặt và vượt qua tình trạng hiện tại.
3. Kiểm soát mọi việc trong khả năng của bạn
Liệu có phải quá nhiều cuộc họp và nhiệm vụ được giao là thủ phạm khiến bạn “quá tải”? Nếu đúng như vậy, hãy tìm cách kiểm soát trong khả năng của bạn. Bạn có thể đề nghị sếp giảm số cuộc họp hoặc chuyển sang thời điểm khác, yêu cầu giúp đỡ hoàn thành dự án, sắp xếp công việc một cách hợp lí hơn… Hãy cố gắng kiểm soát mọi việc trước khi chúng ra khỏi điểm giới hạn “quá tải” của bạn.
4. Tránh ôm đồm nhiều vai trò cùng lúc
Bạn có phải là trưởng nhóm hay bạn còn là người cố vấn đặc biệt cho công ty bên cạnh công việc thường ngày? Đảm nhận nhiều vai trò cùng lúc dễ làm bạn quá sức. Hãy làm tốt một vai trò và sau đó nâng dần lên khi bạn thấy tự tin và tràn đầy năng lượng.
5. Lập kế hoạch
Thật khó để có động lực nếu bạn “mắc kẹt” trong hàng đống việc cần làm và không biết bắt đầu từ đâu. Mọi người thường lạc đường vì không có bản đồ và trong công việc cũng vậy. Hãy lập ra một kế hoạch cụ thể những công việc cần làm và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên việc gì cần làm trước, việc nào làm sau. Chúng sẽ giúp bạn “dễ thở” hơn.
Ngoài ra, trong kế hoạch, bạn cũng có thể đặt ra điểm nhấn cho mình như quay trở lại trường học, thăng chức… Điều mấu chốt là bạn phải hành động để thoát khỏi tình trạng chán chường và bức bối.
Theo Dân Trí