Liệu bạn có làm gì khiến hình ảnh của bạn trở nên xấu đi trong mắt đồng nghiệp không? Dưới đây là 5 hành động khiến bạn trở thành một đồng nghiệp đáng ghét nơi công sở, thử xem bạn có mắc phải không nhé:
1. Không nhiệt tình giúp đỡ đồng nghiệp
Một đồng nghiệp cần ai đó giúp đỡ công việc của anh/cô ấy trong khi anh/cô ấy xin nghỉ vào tuần tới. Lúc đó, sếp hỏi ý kiến mọi người xem có ai tình nguyện giúp đỡ anh/cô ta không. Bạn ngồi lặng lẽ và không có phản ứng gì trong khi bạn hoàn toàn có thể giúp đỡ anh/cô ấy. Hành động của bạn thật là không “fair – play” chút nào. Nếu bạn đồng ý tham gia giúp đỡ đồng nghiệp đó, bạn không chỉ có thêm nhiều kinh nghiệm và kỹ năng để phát triển, mà bạn còn tạo được ấn tượng tốt trong mắt đồng nghiệp cũng như trong mắt sếp. Hãy giúp đỡ đồng nghiệp nếu có thể, bạn sẽ không bao giờ bị thiệt thòi hết cả.
2. Thường xuyên thất hứa
Nếu như bạn không biết chắc là mình có thể làm được những công việc hoặc nhiệm vụ nào đó thì tốt nhất là không nên hứa hẹn gì nhiều. Khi bạn hứa thì phải chắc chắn là mình thực hiện được. Công việc dở dang sẽ ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh của bạn, đặc biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả làm việc của cả đội. Ngoài ra, nếu bạn thất hứa nhiều lần, đồng nghiệp và sếp sẽ không còn niềm tin vào khả năng, mức độ trung thực của bạn trong công việc nữa.
3. Lúc nào cũng tỏ ra là một “chuyên gia biết tuốt”
Sẽ thật là thông minh khi bạn đưa ra ý kiến góp ý trong các cuộc thảo luận và đưa ra ý tưởng cho đồng nghiệp đang gặp nhiều bế tắc trong công việc. Tuy nhiên, bạn hãy nhớ rằng nếu bạn góp ý quá nhiều thì cũng không tốt chút nào. Đồng nghiệp sẽ cảm thấy khó chịu và nghĩ rằng bạn là một người tự kiêu. Do vậy, khi muốn trình bày ý kiến, hãy thật khéo léo để không mất lòng đồng nghiệp. Hơn nữa, nếu muốn thể hiện sự phản đối với ý kiến của đồng nghiệp khác, hãy thật thận trọng.
4. Không bao giờ thừa nhận sai lầm
Luôn cố gắng tìm cách đưa ra những lý do giải thích cho những sai lầm của bản thân là hành động thiếu trung thực và không chuyên nghiệp. Nếu bạn mắc sai lầm, hãy can đảm thừa nhận lỗi lầm, tiếp đó bạn nên đưa ra một bản kế hoạch để sửa chữa và tránh những sự việc đáng tiếc tương tự xảy ra trong tương lai. Với cách sửa chữa sai lầm như vậy, bạn sẽ được đồng nghiệp và sếp đánh giá cao. Hình ảnh của bạn trong mắt mọi người sẽ chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Sự lẩn tránh trách nhiệm chỉ khiến mọi người càng thêm ghét bạn. Do vậy, hãy luôn thể hiện mình là một người đồng nghiệp chuyên nghiệp, đáng kính trọng.
5. Luôn là người loan tin đồn thổi
Bất cứ khi nào có thông tin xấu hoặc lời chê bai phàn nàn về một đồng nghiệp trong công ty, bạn luôn là người đầu tiên đi “buôn dưa lê, buôn dưa chuột” với những đồng nghiệp trong phòng? Nếu bạn có hành động như vậy, thì chắc chắn sẽ chẳng có một đồng nghiệp nào yêu quý bạn hết. Đồng nghiệp trong công ty sẽ cho rằng bạn là một người xấu tính, chỉ biết “soi mói” chuyện của người khác. Hành động này sẽ không được sếp ủng hộ mà còn khiến cho quan hệ của bạn ở công ty trở nên xấu hơn. Thật khó cho bạn có thể tìm được một người đồng nghiệp chân thành với bạn.
Theo 24h