Sau tham vọng thăng tiến là gì?

Các chuyên gia tâm lý đã nghiên cứu và đúc kết lại những “căn bệnh” thời hậu thăng chức bất thành, hy vọng đó sẽ là tấm gương phản chiếu cho những dân văn phòng nào quá nhiều tham vọng thăng tiến.
1. Bệnh “mắt đỏ”
Triệu chứng: Nhìn thấy người khác giỏi hơn mình, thăng tiến dễ dàng và nhanh chóng hơn mình liền sinh ra tâm lý ghen ghét, đố kị thậm chí còn nói xấu, “bới lông tìm vết” ở mọi lúc mọi nơi, mọi câu nói cửa miệng. Cố tình gây trở ngại trong công việc hay tỏ ra vui mừng rõ rệt khi thấy “đối thủ” lâm vào tình huống gay go. Những “bệnh nhân” này khó mà có thuốc chữa trong vấn đề hợp tác trong công việc, không có tinh thần làm việc đồng đội… từ đó khó mà cảm nhận được hương vị thăng tiến lần kế tiếp.
Thuốc đặc trị: Học cách nhìn khách quan, hiểu và thông cảm cho đối phương cũng như khoan dung cho chính mình. Nghĩ thoáng mọi vấn đề để tâm trí được minh mẫn, tinh thần thoải mái phấn đấu cho chức vụ tiếp theo. Không ngừng học tập, nâng cao năng lực cho bản thân, và tất nhiên, không cần học đâu xa, hãy học tập chính đối thủ ấy, bởi chính vì bạn đang thiếu những điều đó nên mới sinh ra tâm lý đố kị, thù địch.
Làm được những điều tưởng chừng đơn giản trên giúp tăng cường thực lực bản thân, tự đổi mới mình, tạo cho mình cơ hội thăng tiến mới.
2. Bệnh “mất tiếng”
Triệu chứng: Một con người năng động, nhiệt tình hay tham gia đóng góp ý kiến trước kia nay không còn nữa, thay vào đó là một vật thể có tính “ì” khá lớn, chậm chạp và buông lỏng mọi thứ, làm việc theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”.
Hoặc có thể xuất hiện “triệu chứng” sau: Dù không “mất tiếng” nhưng lại phát biểu những lời lẽ tranh luận không phù hợp, khi triển khai công việc thì bảo thủ, cá nhân. Bởi di chứng để lại của thất bại lần trước vẫn còn quá nặng nề.
Làm như vậy không những tự làm bản thân khó chịu mà vô hình chung mất sự tín nhiệm của đồng nghiệp, của sếp. Nếu còn muốn thăng tiến trong công việc, nhất quyết không giữ thái độ trên. Không ngài sếp nào lại muốn giao những công việc quan trọng vào tay “thuộc hạ” không có tinh thần trách nhiệm, không thể kiềm chế được những suy nghĩ riêng tư.
Thuốc đặc trị: Tăng cường khả năng kiềm chế bản thân bằng cách suy nghĩ thấu đáo trước khi đưa ra bất cứ ý kiến nào trước mọi người. Nín thở thật sâu, tìm nơi yên tĩnh để tìm lại chính mình, nén những cảm xúc ngoài lề ảnh hưởng đến công việc và những mối quan hệ nơi công sở.
Giữ thái độ hài hòa với mọi người xung quanh dù đang gặp bất cứ trở ngại nào. Có tinh thần hợp tác với đồng nghiệp, khách quan, không bảo thủ khi đưa ra những ý kiến đóng góp trong các cuộc họp. Có như vậy, bạn mới tự mình “quét sạch” mọi trở ngại trên con đường thăng tiến kế tiếp.
3. Bệnh “nhảy việc”
Triệu chứng: Sau mỗi lần không trúng cử chức vụ mới liền cảm thấy xấu hổ hay bất mãn khi không được tín nhiệm hoặc làm việc không đúng khả năng của mình…Từ đó sinh ra tâm lý bất mãn cực độ, tìm mọi cách để nhảy việc thành công, miễn sao nhanh chóng thoát khỏi chỗ làm trước, thoát khỏi con mắt soi mói của đồng nghiệp cũ, sếp cũ.
Thuốc đặc trị: Hiểu rõ bản thân muốn gì, có nhất thiết phải nhảy việc, liệu sau khi nhảy việc cơ hội thăng tiến sẽ cao hơn? Hãy bình tĩnh nhìn nhận mọi vấn đề, đừng vì tâm lý xấu hổ hay bất mãn thái quá. Nên nghĩ rằng nguyên nhân để chức vụ ấy tuột khỏi tay là do năng lực của chính mình, luôn học hỏi, trau dồi kiến thức chờ cơ hội thăng tiến tiếp theo.
Nên nhớ rằng, dù làm việc ở bất kỳ cơ quan nào, đòi hỏi phải có năng lực cơ bản. Mà năng lực ấy không phải một sớm một chiều mà bạn có được. Hãy bước từng bước chậm dãi để có thời gian khẳng định bản thân, cơ hội thăng tiến lúc ấy sẽ nằm gọn trong tay bạn.
4. Bệnh “suy dinh dưỡng”
Triệu chứng: “Nguồn dinh dưỡng” ám chỉ khả năng làm mới mình, năng lực không chỉ trong công việc mà còn là năng lực làm người khác yêu mến, tín nhiệm. Nếu quá cứng nhắc trong các mối quan hệ xã giao cũng như trong công việc, luôn đưa ra những “luật bất thành văn” để gò mình vào một khuôn khổ nhạt nhẽo, vô vị không những bản thân mình khó chịu, áp lực mà người khác cũng không thể chịu đựng nổi. Không thừa nếu đôi lúc mỉm cười hay đưa ra những câu nói hài hước đúng nơi, đúng lúc.
Sau một “cuộc đua thăng tiến” mệt mỏi, đừng tỏ ra quá mệt mỏi hay chán nản, tinh thần lúc nào cũng như “thiếu dinh dưỡng”, như vậy chỉ tự mình vác thêm những trở ngại đặt trên con đường còn rộng mở phía trước mà thôi.
Thuốc đặc trị: Không ngừng “nạp năng lượng” bằng cách học hỏi những kiến thức mới, xây dựng những mối quan hệ mới. Đừng quên sự tự tin vốn có của mình, hãy phát huy tối đa nó, chứng tỏ cho mọi người thấy rằng không chọn bạn cho chức vụ ấy quả thật là sai lầm lớn.
Ngoài ra nên học cách cân bằng trạng thái tâm lý, kiềm chế, kiên nhẫn trong mọi công việc, đồng thời luôn giữ thái độ hòa đồng, nhã nhặn với đồng nghiệp. Có thể làm mới mình bằng những kiến thức mới tích lũy được, hoặc thay đổi phong cách thời trang để lấy lại sự tự tin ban đầu.

Theo Dân Trí