Câu chuyện sau đây kể về một tình huống mà những sai lầm khi ra quyết định có thể gây nhiều hậu quả đáng tiếc, nhưng lại dễ gặp trong đời sống doanh nghiệp.
Sau vài năm cật lực, vất vả trong giai đoạn khởi nghiệp, công việc tại doanh nghiệp nọ đã đi vào giai đoạn khá ổn định. Hai vợ chồng người chủ công ty muốn giao công việc tại công ty cho nhân viên để họ có thời gian rảnh rỗi, nghỉ ngơi nhiều hơn. Trong một buổi họp với nhân viên, họ đã nêu và giải thích rõ ý định của mình, rồi đề nghị một số nhân viên có năng lực nhận trách nhiệm tham gia phối hợp quản trị doanh nghiệp khi họ vắng mặt. Cuối cùng, hai nhân viên làm việc lâu năm nhất đã được chọn. Tất nhiên, hai nhân viên ấy được hứa là sẽ có thêm phụ cấp trách nhiệm đối với trọng trách mới. Trong buổi họp trước khi vợ chồng người chủ tạm giao lại việc lãnh đạo, điều hành công ty cho những người được chọn, họ cũng nhận được sự cam kết hỗ trợ của các nhân viên khác trong công ty.
Chuyến đi sau đó của hai vợ chồng người chủ có vẻ êm ả. Trước khi đi, họ dặn nhân viên là trong trường hợp cần thiết cứ gọi điện thoại di động cho họ nhưng không có cuộc gọi nào trong suốt hai tuần họ không có mặt tại công ty. Cảm nhận chung của hai người là vui vì nhân viên của mình đã trưởng thành, đã tự quản lý hoạt động kinh doanh thành công khi họ tin tưởng giao quyền điều hành.
Đến khi quay trở lại công ty, họ nhận ra tình hình khác hẳn những gì họ đã cảm nhận. Hóa ra, hai người tạm thời làm nhiệm vụ điều hành đã thực hiện hai quyết định hoàn toàn không thích hợp nhưng không hề trao đổi trước với họ. Thứ nhất, cho mọi người nghỉ làm sớm hơn so với quy định vào cuối tuần vì cho là trong mùa hè nhân viên cần được nghỉ sớm để có kỳ nghỉ thoải mái hơn. Thứ hai, khi hệ thống máy tính của công ty gặp sự cố, các nhân viên có quyền điều hành đã quyết định cho chạy trên hệ thống dự phòng. Sau khi đã khắc phục xong sự cố cho máy chính, họ vẫn duy trì chạy trên hệ thống dự phòng thay vì quay lại hệ thống chính.
Quyết định thứ nhất làm hụt hẫng những khách hàng có thói quen giao dịch với công ty vào cuối giờ của ngày làm việc cuối tuần. Khi khách hàng đến công ty thì nơi đây đã “vắng như chùa Bà Đanh”.
Quyết định thứ hai còn gây thiệt hại nặng nề hơn: hệ thống dự phòng bị hỏng! Hậu quả là mọi số liệu trong thời gian chạy hệ thống dự phòng bị mất sạch, trong khi hệ thống chính không được dùng đến.
Nếu ở vị trí những người chủ công ty ấy, chúng ta nên làm gì? Quy trách nhiệm cho hai nhân viên được trao quyền điều hành tạm thời công ty? Kỷ luật họ vì đã ra những quyết định sai lầm như vậy?
Xem xét kỹ, sẽ thấy rằng người ra hai quyết định đó cần phải có kinh nghiệm quản trị để có thể lường trước được hậu quả, trong khi hai nhân viên điều hành tạm thời chưa hề có kinh nghiệm ấy. Vậy thì chính những người chủ phải chịu trách nhiệm? Cần phân tích cho hai nhân viên điều hành tạm thời thấy rõ những hậu quả của hai quyết định sai lầm mà họ đã phạm phải. Yêu cầu họ rút kinh nghiệm nghiêm túc, cụ thể là trước khi ra quyết định, cần phải có sự chia sẻ thông tin cần thiết. Vậy cuối cùng, hai người chủ đã làm gì?
Họ nhận ra chính họ đã phạm một sai lầm là quyết định trao quyền điều hành cho người khác nhưng chưa chuẩn bị chu đáo để những người được trao quyền có đủ điều kiện và năng lực để hoàn toàn chủ động trong công việc. Họ hiểu rằng chính sai lầm của họ đã dẫn tới các sai lầm của nhân viên. Những bài học rút ra từ câu chuyện này nghe cũng rất quen và có vẻ tình huống xảy ra câu chuyện tương tự cũng dễ gặp ở đâu đó.
Trương Chí Dũng Giám đốc Nghiên cứu và phát triển, Công ty L&A
Theo Vieclam