Giữ niềm tin, vực dậy tinh thần

Muốn đưa được doanh nghiệp của mình qua khỏi cơn bão khủng hoảng hiện nay, các nhà quản lý doanh nghiệp cần giữ được niềm tin cho mình và vực dậy tinh thần nhân viên.
Làm ăn khi kinh tế phát triển ổn định, hàng ngày các nhà quản lý và chủ doanh nghiệp đã phải đối đầu với áp lực đào thải của quy luật cạnh tranh. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, áp lực đó càng nặng nề hơn bao giờ hết. Vì thế, chẳng có gì lạ khi không ít doanh nhân trong nước đang cảm thấy mất phương hướng khi họ phải chứng kiến những thay đổi, thậm chí sụp đổ, trong kinh doanh quá nhanh trong một thời gian quá ngắn.
Nhà quản lý tự củng cố niềm tin
“Đây là giai đoạn đòi hỏi những người lãnh đạo phải có thần kinh thép”, giám đốc điều hành một công ty 100% vốn của châu Âu tại Việt Nam nói. Ông kể tuần trước mình tham dự hội nghị quốc tế về kinh tế đối ngoại ở Hà Nội. Ở đó Economist Intelligence Unit dự báo kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng 0,3% trong năm 2009.
“Chẳng có lý do gì để tôi tin vào một dự báo quá u ám như thế khi họ không thực sự sống và làm việc tại quốc gia này. Tôi cũng không tin lắm vào dự báo quá lạc quan của Chính phủ. Nhưng tôi có phần nghiêng về dự báo của các hiệp hội doanh nghiệp châu Âu, Mỹ tại Việt Nam”, ông nói.
Với thâm niên hơn 20 năm điều hành doanh nghiệp, nhà quản lý này cho rằng kinh nghiệm để vượt qua những lúc kinh doanh khó khăn kéo dài là tìm đọc những thông tin tốt, những dự báo tích cực. “Nghe mãi những thông tin quá tiêu cực sẽ làm cho chúng ta mệt mỏi thêm. Biết chấp nhận thực tế và có một niềm tin sẽ tự tạo cho bạn một bộ lọc khi tiếp nhận thông tin”, ông nói.
Chưa bao giờ giới doanh nhân Việt Nam phải trải qua một đợt sát hạch đầy cam go như hiện nay. Nhiều doanh nhân không giấu được sự lo lắng của mình và đó âu cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, đối với những nhà lãnh đạo doanh nghiệp, họ không được phép nao núng nếu muốn lèo lái doanh nghiệp vượt qua cơn sóng gió đang làm cả thế giới chao đảo.
“Đây là lúc nhà lãnh đạo phải giữ cho mình một tinh thần vững vàng nhất”, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank, nói. Bản thân ông Thành đã trải qua đợt đổ bể tín dụng vào năm 1990, trong đó ông kể mình đã thấy nhiều doanh nghiệp phá sản chỉ sau một đêm như thế nào. Ông cũng đã cảm nhận được không khí chán nản, mất phương hướng của giới doanh nhân lúc bấy giờ. Nhưng ông nói mình vẫn phải nuôi một niềm tin: “Phải tin rằng khó khăn chỉ là tạm thời”.
Bây giờ, ông Thành nói mình cũng đang nuôi dưỡng một niềm tin như vậy. Theo ông, doanh nghiệp nào có sự chuẩn bị tốt, có kế hoạch phát triển rõ ràng, khi cơn khủng hoảng đi qua, doanh nghiệp đó sẽ có cơ hội phát triển rất nhanh.
Vực dậy tinh thần nhân viên
Giữ được “tinh thần chiến đấu” của mình chỉ là một điều kiện để vượt khủng hoảng. Nhà lãnh đạo còn phải biết cách giữ vững tinh thần và tạo niềm tin cho nhân viên.
Tăng cường giao tiếp với nhân viên là việc mà các cấp quản lý cần làm vào lúc này. “Nếu nhân viên xuống tinh thần, chỉ cần người lãnh đạo để lộ thái quá mối quan ngại của mình trong khi giao tiếp, họ sẽ càng thêm lo lắng”, ông Lê Minh Tâm, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kim Eng Việt Nam, cho biết về cách giữ không khí làm việc tích cực cho nhân viên.
Theo ông Tâm, cho nhân viên thấy doanh nghiệp vẫn đang chuyển động, và các nhà quản lý doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực làm việc là một cách củng cố tinh thần cho họ. Ở Công ty Kim Eng Việt Nam, cấp quản lý trong công ty có thể xem lịch làm việc của nhau, kể cả lịch làm việc của tổng giám đốc. Và nếu thấy cần, họ cũng có thể đăng ký tham gia cùng làm việc với lịch hẹn đã sắp sẵn.
Trong thời điểm khó khăn hiện nay, người đi làm càng cần hơn ở nơi làm việc một chỗ dựa về tinh thần. Công tác truyền thông trong nội bộ doanh nghiệp cũng phải được chú trọng vào lúc này để tình hình hoạt động công ty được cập nhật đến các thành viên trong tổ chức thường xuyên hơn, đồng thời nhà quản lý hiểu nhân viên để có ngay lời động viên tinh thần kịp thời.
Nhanh chóng cho nhân viên thấy hướng đi của doanh nghiệp trong thời kỳ chao đảo này là rất cần thiết. Thông tin cho nhân viên tình hình chung của ngành, tình hình công ty, đưa ra những dự báo, những khó khăn phải đối đầu. Đồng thời chia sẻ với họ một sứ mệnh rõ ràng là cách để nhân viên cảm thấy tin tưởng hơn vào tổ chức. Sẽ là không thừa nếu người lãnh đạo có tài hùng biện để “truyền lửa” cho nhân viên vào lúc này.
“Tôi đánh thức tự ái nghề nghiệp và lòng tự trọng của mỗi cá nhân trong tổ chức. Vì thế tôi kêu gọi nhân viên không chỉ làm việc cho bản thân, mà hãy làm việc vì thương hiệu họ mang trên ngực, vì trách nhiệm đối với 70.000 cổ đông đang kỳ vọng vào họ”, ông Thành nói.
Bên cạnh việc phải thường xuyên tăng cường sự hiện diện và giao tiếp với nhân viên, nhà quản lý doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ trước mọi quyết định giảm lương, hay giảm nhân sự, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Bởi lẽ các quyết định liên quan đến quyền lợi của nhân viên đều rất nhạy cảm, tác động rất lớn đến tinh thần làm việc của tổ chức trong giai đọan hiện nay.
Muốn giữ vững tinh thần vào lúc này thì đừng sa thải và giảm lương nhân viên, đó là bí quyết của Gary Kelly, Tổng giám đốc điều hành Southwest Airlines. Trả lời phỏng vấn của Fortune, ông Kelly nói trong tình hình này doanh nghiệp cần một chính sách nhân sự linh hoạt, khuyến khích và điều chuyển nhân viên đang dư thừa ở một số bộ phận sang những nơi cần thiết khác để tránh việc sa thải….
Trong văn học thế giới ngày nay, khi nói đến Pygmalion là ám chỉ về một con người quá say mê tác phẩm của mình đến nỗi mất cả sự tỉnh táo khách quan. Còn trong nghệ thuật quản trị nhân sự người ta lại nói đến hiệu ứng Pygmalion như là một bí quyết. Bí quyết này có thể tạm chuyển thành các bước cụ thể trong tình hình khủng hoảng như sau: Nhà lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng các cộng sự đang gắn bó với công ty trong lúc này có thể nắm tay nhau làm thành một đường ray vững chắc để đưa con tàu công ty vượt qua khủng hoảng. Sự kỳ vọng này của người lãnh đạo chắc chắn sẽ được từng cá nhân trong tổ chức cảm nhận và họ sẽ có khuynh hướng đáp lại sự tin tưởng này bằng cách hoàn thành công việc tốt hơn. Và như thế, kết quả là kỳ vọng ban đầu của nhà lãnh đạo trở thành hiện thực.
Trong cuộc sống, mọi việc xảy ra đều có quy luật của nó, quy luật của sự kỳ vọng nếu được ứng dụng vào lúc này biết đâu sẽ góp phần tích cực trong hành trình vượt khủng hoảng của doanh nghiệp.
Hiệu ứng Pygmalion trong quản trị nhân sự
Trong thần thoại Hy Lạp, Pygmalion là một nhà điêu khắc đại tài. Nhưng chàng lại mang ác cảm với phụ nữ và quyết định sống độc thân suốt đời. Một hôm Pygmalion quyết định tạc tượng một thiếu nữ. Sau khi hoàn thành bức tượng, Pygmalion càng ngắm càng đem lòng say mê tác phẩm của mình.
Tình yêu đó càng lớn dần theo thời gian thì Pygmalion càng đau khổ. Niềm ao ước của chàng lúc bấy giờ là người thiếu nữ bằng đá đó trở thành người thật. Tình yêu của Pygmalion khiến cho nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp Aphrodite xúc động và nữ thần đã cho Pygmalion được toại nguyện. Ngày nay trong văn học thế giới, nói đến Pygmalion là ám chỉ về một con người quá say mê tác phẩm của mình đến nỗi mất cả sự tỉnh táo khách quan.
Trong nghệ thuật quản trị nhân sự người ta lại nói đến một bí quyết: hiệu ứng Pygmalion. Hiệu ứng này có thể được tóm tắt trong một quy trình như sau: khi một người hình thành kỳ vọng với một đối tượng nào đó, họ thể hiện kỳ vọng đó qua những tín hiệu giao tiếp, hành xử…, đối tượng cảm nhận và có khuynh hướng đáp lại tín hiệu, kết quả là kỳ vọng ban đầu trở thành hiện thực.

Theo My.opera