Tránh phiền phức cho dân công sở khi bị ốm

Ai trong chúng ta cũng có lúc thức dậy với cơn đau đầu như búa bổ và cổ rát như bị xát muối. Cố gắng ra khỏi giường và bạn lấy nhiệt kế đo thân nhiệt. Sốt 39 độ, bạn bắt đầu suy nghĩ về việc nên đi làm hay không. 
Thế nhưng có một cuộc họp quan trọng mà bạn không thể vắng mặt hôm đó, bạn quyết định bước chân ra khỏi nhà và nghĩ đơn giản rằng, họp một lúc nếu thấy không khỏe thì xin nghỉ cũng không sao. Tuy nhiên, ý nghĩ đơn giản ấy nhiều khi đem lại cho bạn phiền phức.
Giống như một phản xạ tự nhiên, nếu đồng nghiệp bị cảm cúm đến văn phòng và ngày hôm sau bạn bị lây cúm, chắc chắn, bạn sẽ bực mình vì cho rằng bạn bị lây bệnh từ người đó. Vì thế, nếu bạn đi làm khi đang ốm, nhiều khả năng bạn lại trở thành thủ phạm lây bệnh cho đồng nghiệp.
Theo một cuộc khảo sát do hang Accountemps tiến hành cho thấy, 76% người lao động vẫn đi làm bình thường ngay cả khi đang bị ốm. Có nhiều nguyên nhân lý giải cho tình trạng này: vì họ đã hết ngày phép, vì dự án đang bước vào giai đoạn quan trọng, không thể vắng mặt… Tuy nhiên, theo các chuyên gia tư vấn, nếu bạn đi làm chỉ để gây ấn tượng với đồng nghiệp về sự nỗ lực của mình, ốm vẫn không bỏ việc thì đó là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Theo khảo sát, chỉ 8% người lao động được hỏi cho biết, họ có chút ấn tượng với sự cố gắng của đồng nghiệp khi ốm mà vẫn đi làm.
Cho dù mục đích của bạn là tốt nhưng xuất hiện ở văn phòng trong khi bị ốm sẽ mang lại nhiều phiền toái. Sau đây là một số cách giúp bạn và đồng nghiệp tránh được những rắc rối đó.
– Gương mẫu
Nếu bạn giữ vị trí quản lý, bạn luôn được xem là người đi tiên phong và cấp dưới sẽ nhìn vào bạn như một tấm gương để học hỏi, noi theo. Vì vậy, khi bị ốm mà bạn vẫn đi làm, dù mục đích tốt nhưng vô tình bạn đã tạo ra một tiền lệ không tốt, khiến những người khác bắt chước theo.
Tốt nhất là bạn nên ở nhà khi bị ốm và khuyến khích nhân viên như vậy bởi điều này cho thấy bạn đang đặt sức khỏe của người lao động lên trên hết. Nếu nhân viên có dấu hiệu cảm cúm, ốm đau, không cần đợi họ xin phép, bạn có thể chủ động cho họ về nhà nghỉ ngơi.
Đặc biệt, khi mùa cảm cúm đến, nhân viên rất dễ mắc bệnh. Theo Lynne Sarikas, GĐĐH của Trung tâm Hướng nghiệp Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh tại ĐH Northeastern ở Boston, các nhà quản lý nên nói chuyện với nhân viên của mình khi mùa cúm bắt đầu: “Trong cuộc họp, hãy yêu cầu người nào bị cúm không đến nơi làm việc để tránh lây lan cho những người xung quanh”. Sarikas cũng khuyên những người bị ốm nên cho người quản lý biết nhiệm vụ họ cần hoàn thành để quản lí có thể sắp xếp hợp lí. Bằng cách đó, công việc sẽ không bị đình trệ. Nếu bạn không phải là quản lí, hãy nói chuyện với sếp về những lo lắng của mình khi những người khác ốm nhưng vẫn đi làm. Và nếu một người đồng nghiệp gọi điện thoại bảo rằng đang bị ốm, hãy vui vẻ làm giúp họ một số việc đang dang dở. Biết đâu một lúc nào đó bạn chẳng may bị ốm và đồng nghiệp sẽ quay lại giúp bạn.
– Làm việc ở nhà
Cũng theo Sarikas, ngày nay, hầu hết các công việc có thể được thực hiện với máy tính và Internet. Vì vậy, người quản lí cần tạo điều kiện để những người đang ốm có thể thực hiện các nhiêm vụ thông qua hệ thống mạng máy tính. Hãy sắp xếp trước để đảm bảo rằng các nhân viên có thể truy cập vào email văn phòng của họ và có được các tài liệu cần thiết từ nhà.
– Khuyến khích các biện pháp phòng ngừa
“Người sử dụng lao động nên tập trung vào phòng bệnh cho nhân viên bằng nhiều cách như cung cấp thuốc miễn phí và tuyên truyền để nhân viên hiểu rõ mức độ ảnh hưởng của cảm cúm hay bất cứ bệnh gì khác, để cho họ chủ động phòng ngừa” – ông Kyle Pribilski, người quản lí công ty vốn nhân lực HCM chia sẻ.
Tuy nhiên ngay cả khi tất cả các biện pháp phòng ngừa được đưa ra, một số công nhân vẫn sẽ đến nơi làm việc trong tình trạng cảm cúm, hắt hơi, sổ mũi. Nếu rơi vào tình trạng này, bạn nên tìm cách hạn chế sự lây lan hay gây khó chịu cho đồng nghiệp. Rửa tay bằng xà phòng và sử dụng khăn giấy.để tránh vi trùng vẫn còn trên tay của bạn. Ngoài ra, sử dụng khăn tắm, hoặc ống tay áo của bạn, để mở cửa. Hãy làm hết sức có thể để những đồng nghiệp không bị cúm theo bạn.

Theo CareerBuilder/Infonet