Đối phó khi kẻ thù cũ làm cùng công ty mới

Bạn đang hào hứng chuẩn bị đón nhân viên mới nhưng khi người mới xuất hiện, bạn sững sờ nhận ra người đó không ai khác lại chính là kẻ thù của mình ở công ty cũ.

Một ngày, bạn đến văn phòng với tâm trạng vui vẻ, đang nhâm nhi ly cà phê buổi sáng và chuẩn bị tinh thần thật tốt cho một ngày làm việc mới. Bạn đã được thông báo về một nhân viên mới và đang vui mừng để đón tiếp một thành viên mới của nhóm. Thêm người, nghĩa là khối lượng công việc của phòng bạn sẽ được giảm bớt, bạn có thể rảnh rang tập trung hoàn thành nhiệm vụ mới quan trọng hơn. Nhưng khi nhân sự dẫn nhân viên mới đi giới thiệu, bạn ngớ người, mọi cảm xúc như bị đảo lộn bởi trước mắt bạn chính là “kẻ thù” của bạn ở công ty cũ.
Tình huống này ít khi xảy ra nhưng thực tế, không phải là không thể. Khi gặp tình huống này, điều quan trọng là bạn phải làm chủ cảm xúc, cư xử lịch sự để không ai cảm thấy khiếm nhã, ngay lúc này, hãy nói lời chào xã giao trước đã.
Sau đó, mỗi người sẽ có cách xử lý riêng. Có người từ bỏ công việc vì không muốn nhìn thấy mặt “kẻ thù” cũ mỗi ngày. Người khác lại lờ đi, coi như không có kẻ kia, cứ ngồi vào bàn làm việc, giải quyết công việc và tuyệt đối không giao tiếp quan hệ bạn bè, đồng nghiệp… Tuy nhiên, những cách này không phải dễ dàng.
Kaley Warner Klemp và Jim Warner – tác giả của “The Drama-Free Office” đã tiến hành nghiên cứu với hơn 3.500 GĐĐH và các nhóm nhân viên của họ trên toàn thế giới khi rơi vào tình huống oái oăm này. “Bạn có thể bắt đầu mối quan hệ mới này bằng cách đưa ra lợi ích của sự hợp tác. Bạn sẽ phân chia công việc cụ thể, coi đó là một thành viên mới như những nhân viên mới khác và giao trách nhiệm dưới sự kiểm soát của bạn, bạn sẽ có hướng dẫn riêng”.
Đây là một trong những khoảnh khắc quan trọng để bạn có sự lựa chọn đúng đắn và cũng là cơ hội để bạn vượt qua mọi vấn đề không hay trong quá khứ, để hai bên cùng hòa thuận, hợp tác giải quyết tốt công việc.
Tuy nhiên, điều đáng nói là khi bạn có nhã ý hòa thuận nhưng đồng nghiệp “kẻ thù” kia không thiện chí, bạn nên tính đến chuyện giữ yên mọi chuyện.
Việc đầu tiên bạn cần nhớ là không để lộ ra mâu thuẫn cho những đồng nghiệp hiện tại biết. Đừng bao giờ lấy chuyện làm quà, đưa chuyện ở công ty cũ với những mâu thuẫn từ trước ra bàn tán. Trong công việc, bạn nên đối xử công bằng, đừng vì mâu thuẫn cá nhân mà đối xử bên trọng bên khinh.
Nếu tình hình căng thẳng quá, bạn có thể nói rõ mọi chuyện với sếp và xin lời khuyên từ sếp.

Theo CareerBuilder/Infonet