Văn hóa là một khái niệm mang nội hàm rộng liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người. Có nhiều cách hiểu và định nghĩa khác nhau về văn hóa.
Theo tâm lý học, văn hóa là quá trình thích nghi với môi trường, quá trình học hỏi, hình thành thói quen, lối ứng xử của con người. Vậy, có thể hiểu văn hóa kinh doanh (VHKD) là lối ứng xử của cá nhân, tổ chức làm kinh tế (doanh nghiệp – DN) với tất cả những gì liên quan, phù hợp với xu thế thời đại.
Để hiểu rõ vai trò quan trọng của VHKD, trước hết phải xem xét vai trò và vị trí của DN trong thế kỷ thứ XXI. Từ đó, sẽ phân tích vai trò của VHKD và sứ mạng của doanh nhân trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới.
Vai trò của DN trong thế kỷ XXI
Với mật độ bình quân 10 người dân (có nơi 5 người) có một DN, DN trở thành thể chế trung tâm vận dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất; là cầu nối giữa công tác nghiên cứu và thực tế cuộc sống; đưa các sản phẩm, dịch vụ vào sản xuất và đời sống.
DN cũng là đơn vị bản lề huy động vốn, đầu tư, đổi mới công nghệ, tạo ra việc làm và thu nhập cho người lao động. Về mặt xã hội, DN là nơi thực thi pháp luật của nhà nước và các quy định bổ sung của chính nó, đem lại cuộc sống cộng đồng và cơ hội phát triển cho người lao động.
Những nước Bắc Âu như Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan đều phồn vinh, ổn định, đạt vị trí cao trong xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu. Đó là nhờ họ có những DN luôn đổi mới, đạt được năng suất cao, bảo đảm cho người lao động một cuộc sống đầy đủ.
Ngày nay, người ta biết đến Phần Lan qua nhãn hiệu Nokia, biết đến Nhật Bản qua Honda và Toyota. Sự phồn vinh, năng động, tự đổi mới của các DN Mỹ trong môi trường cạnh tranh toàn cầu chính là nguồn gốc cho sức mạnh của nước Mỹ. Đây chính là thể chế tạo ra sức mạnh trí tuệ của thời đại kinh tế tri thức.
Không nghi ngờ gì nữa, DN là tế bào cơ bản của xã hội và trở thành thể chế quan trọng nhất trong thế kỷ XXI để vận dụng khoa học, công nghệ, cải thiện đời sống của người lao động. Xác định điều này để có thể đánh giá đúng vai trò của DN, có thái độ khoa học đối với DN. Thực tế cho thấy một tỉnh có nhiều DN, có môi trường đầu tư tốt luôn là tỉnh phát triển về kinh tế, xã hội hơn hẳn.
Xây dựng VHKD
Trong quan hệ giữa các DN, VHKD có thể bao gồm môi trường kinh doanh, những quy tắc ứng xử được các đối tác cùng chia sẻ, những truyền thống hay thói quen có tính đặc thù cho từng thị trường, từng nước hay từng nhóm đối tác.
VHKD trong giao tiếp giữa các DN có thể hiểu là những quy tắc ứng xử bất thành văn, tuy là vô hình và không trở thành quy định luật pháp nhưng được các bên tham gia ngầm hiểu và cùng chấp nhận.
VHKD phải bao gồm sự tôn trọng luật pháp, như đăng ký thương hiệu, tôn trọng các quyền về tài sản trí tuệ (intellectual property rights) mà lâu nay vẫn được gọi một cách thiếu chính xác là sở hữu (ownership) trí tuệ, nộp thuế, bảo vệ môi trường, bảo hộ lao động…
Trong quan hệ kinh doanh với các đối tác, VHKD phải bao gồm chữ tín với các đối tác và khách hàng. DN vay mượn của ngân hàng đến hạn phải trả, dẫu có khó khăn. Nếu không trả được đúng hạn, nhất thiết phải thông báo và thương lượng với chủ nợ để gia hạn. Giao hàng đúng hạn, chất lượng và độ ổn định của chất lượng sản phẩm, quảng cáo trung thực… chính là những biểu hiện cụ thể của VHKD.
Trong quan hệ với người lao động, VHKD không chỉ bao gồm việc trả lương theo cống hiến hay năng suất, trả bảo hiểm xã hội, thực hiện các quy định bảo hộ lao động, tạo điều kiện cho người lao động phát triển…, mà còn bao gồm cả việc xây dựng môi trường kinh doanh dựa trên nguyên tắc nhân ái, bình đẳng, tức là thực hiện chữ nhân theo nghĩa rộng của nó. Một môi trường kinh doanh nhân ái là môi trường kinh doanh khuyến khích sáng tạo và cổ vũ cho sự tiến bộ, phát triển của tất cả người lao động.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày nay, khách hàng luôn mong đợi có những sản phẩm mới và thường xuyên được cải tiến về chất lượng, kiểu dáng, bao bì. Một DN muốn phát triển phải có động lực mạnh, luôn khuyến khích sự đổi mới và sáng tạo. Mặt khác, cần phải có trật tự, kỷ cương, chế độ trách nhiệm, chế tài nghiêm ngặt. Buông lỏng kỷ luật, dân chủ giả hiệu theo kiểu mị dân đều không bảo đảm VHKD.
Trong quan hệ hợp tác với đối tác nước ngoài, VHKD càng trở nên quan trọng cho thành công của DN. Trên đường hội nhập kinh tế quốc tế, VHKD được kết nối bằng nhiều “công cụ” khác nhau.
Trước hết là trình độ ngoại ngữ của doanh nhân, cụ thể là ngoại ngữ kinh doanh (business Englísh), để có thể phân biệt chính xác sự tinh tế trong biểu đạt hay tính chính xác của điều khoản trong hợp đồng. Nếu doanh nhân Việt không tự sử dụng được ngoại ngữ mà phải phụ thuộc vào người phiên dịch có thể sẽ gặp không ít rủi ro. Trong trường hợp này, phải xác minh và đối chiếu nội dung dịch để tránh những nhầm lẫn tai hại.
Thứ hai là thái độ và tác phong giao tiếp với các đối tác. Ngoài sự lịch thiệp và tôn trọng đối tác, doanh nhân Việt cần học hỏi những kiến thức cơ bản về phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng của họ.
Chẳng hạn, người Nhật thích tặng (và nhận) quà và hay xin lỗi; người Mỹ thích nói thẳng và hay nói chuyện khôi hài; người Trung Quốc thích màu vàng, màu đỏ, thích chữ Song Hỷ hay chữ Phúc; người Ả Rập thích màu xanh da trời, rất tôn trọng kinh Koran; người Thái Lan rất tôn kính nhà vua và hoàng gia, mọi lời nói thiếu thận trọng về hoàng gia có thể gây trở ngại lớn trong giao tiếp; người Malaysia quan niệm chỉ ngón tay trỏ về phía đối tác là một sự xúc phạm, mọi biểu hiện bằng tay phải dùng ngón tay cái để tránh hiểu lầm…
Mặt khác, với mỗi nền văn hóa khác nhau, tôn giáo và tín ngưỡng cũng có tầm quan trọng khác nhau. Trong một nền văn hóa đa tôn giáo, cần hết sức tế nhị và nhạy bén để nắm bắt đâu là tôn giáo chính, đâu là tôn giáo phụ. Điều quan trọng nhất với doanh nhân Việt khi làm ăn với đối tác nước ngoài là không được mắc bất kỳ sai lầm nào dẫn đến hiểu lầm về tôn giáo.
Cùng với việc phải hiểu biết, tôn trọng và thích nghi (ở mức độ nhất định) với văn hóa của đối tác, doanh nhân Việt cũng phải tôn trọng và bảo vệ những giá trị bền vững của văn hóa dân tộc trong giao tiếp kinh doanh. Nếu tự từ bỏ giá trị văn hóa của nước mình, theo đuổi đối tác vô điều kiện thì về lâu dài, doanh nhân Việt sẽ tự dẫn mình đến chỗ bế tắc. Vì khi ấy họ sẽ phải giao tiếp trong một môi trường không quen thuộc và ít hiểu biết hơn đối tác.
Xây dựng những chuẩn mực trong giao tiếp, xác định các điều kiện tối thiểu không thể nhân nhượng trong đàm phán và kinh doanh là điều sống còn đối với mỗi doanh nhân. Không nên đi từ bất cập sang thái quá.
Khi tổ chức Đại hội Olympic, nhiều người ở các nước khác đã đả kích thói quen ăn thịt chó của người Hàn Quốc, song người Hàn Quốc đã không khuất phục sức ép đó. Cụ thể, họ không những không từ bỏ món thịt cầy mà còn tổ chức những quán ăn thịt cầy sạch sẽ, sang trọng và tích cực quảng bá. Đây là một ví dụ mà doanh nhân có thể tham khảo.
Tuy đã có một số thành công ban đầu, song doanh nhân Việt vẫn còn phải học hỏi nhiều để có thể cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Có doanh nhân mang áo dài Việt Nam sang bán ở Ai Cập nhưng quên không mang quần nên không bán được. Nhiều chuyến đi tìm hiểu thị trường nhưng thiếu sự chuẩn bị chu đáo cộng với thiếu hiểu biết về văn hóa của đối tác còn quá nghèo nàn, nên không thu được kết quả tương xứng.
Vai trò của Nhà nước trong xây dựng VHKD
Như trên đã nói, VHKD phải bao gồm sự tôn trọng luật pháp. Nỗ lực hình thành và xây dựng thành tố này của VHKD phải đến từ cả hai phía tức người đứng đầu DN và các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng như cơ quan nhà nước. Pháp luật phải rõ ràng, dễ hiểu, chính xác (không cho phép nhiều cách hiểu và giải thích khác nhau) và phải được thực hiện thống nhất, không phân biệt đối xử, nhất quán trong cả nước đối với các loại hình DN khác nhau.
Cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan nhà nước phải thực thi pháp luật trên cơ sở tôn trọng DN và thực tế, không vì lợi ích của một bên để làm thiệt hại cho bên kia. Việc sửa đổi, thay đổi, bổ sung pháp luật là cần thiết, song phải được thảo luận công khai với các DN; việc công bố và thực hiện phải cho phép DN thời gian để chuẩn bị và thực hiện.
Để DN kinh doanh có văn hóa, đòi hỏi các cơ quan nhà nước không chỉ hoạt động đúng chức trách, thi hành đầy đủ chức năng nhiệm vụ mà còn phải có văn hóa công sở, văn hóa trong ứng xử với công dân và DN.
Để giúp doanh nhân Việt xây dựng VHKD, nâng cao trình độ hiểu biết và kỹ năng đàm phán giao tiếp trong kinh doanh, theo tôi, nên có sự kết nối với những viện nghiên cứu chuyên sâu về Đông phương học, Trung Quốc học, Nhật Bản học hay Viện nghiên cứu Hoa Kỳ… Trong bối cảnh toàn cầu hóa, bên cạnh việc đòi hỏi DN kinh doanh có hiệu quả, Nhà nước cũng phải tạo điều kiện cho họ bằng những thể chế chính sách, điều luật cụ thể, nhất quán…
Theo Hoidoanhnhan