Sự đột phá của khoa học công nghệ đã và đang góp phần nâng tầm nhiều phương diện trong phương pháp quản lý từ nghệ thuật lên thành một ngành khoa học. Một xu thế khác là nguồn cung các loại tài nguyên thiên nhiên đang giảm đến mức báo động.
Quản lý nâng tầm thành khoa học
Kho dữ liệu vô tận, khả năng trợ giúp vô biên của máy tính và các mô hình tính toán đã và đang góp phần nâng tầm nhiều phương diện trong phương pháp quản lý từ nghệ thuật lên thành một ngành khoa học.
Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng hiện giờ, một số công cụ đã bộc lộ không ít hạn chế. Cụ thể, thế giới đã chứng kiến sự lệ thuộc thái quá của các ngân hàng, các tập đoàn bảo hiểm cùng nhiều thể chế tài chính khác vào các mô hình tài chính – những mô hình chỉ thành hiện thực với điều kiện nền kinh tế phải vận hành hết sức hợp lý, ổn định và cân bằng.
Vì vậy, khi suy thoái ập đến – môi trường giả định hoàn hảo không còn – các mô hình này đã nhanh chóng thất bại. Thế nhưng, cũng không phải vì thế mà các nhà quản lý vội vàng từ bỏ các mô hình đang áp dụng để đưa ra các quyết định kinh doanh hoàn toàn dựa vào bản năng cá nhân.
Điểm mấu chốt chính là khi áp dụng các mô hình này, chúng ta cần biết cách gắn kết chúng với các quan điểm về hành vi con người bằng việc liên hệ nhiều hơn đến các quy luật kinh tế về hành vi, năng động hơn, tiến hành kiểm chứng chúng với những kết quả thu được thực tế. Quan trọng là, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần sử dụng các mô hình này khôn khéo hơn nữa.
Chắc chắn, các công ty sẽ tiếp tục tìm ra cách tận dụng nguồn sức mạnh ngày càng lớn từ nguồn dữ liệu khổng lồ và sự trợ giúp đắc lực của công nghệ máy tính.
Khi làm như vậy, những người nắm quyền quyết định ở mỗi ngành phải có trách nhiệm sâu sát vào thực tế ngành mình để tìm ra cơ chế vận động (yếu tố đầu vào là gì? yếu tố đầu ra thế nào?) của các công cụ mang tính định lượng tiên tiến, hiểu về chức năng, các giả định và cả những hạn chế của công cụ đó nữa.
* Nhận định: Xu thế này được cho là vững.
Tài nguyên thiên nhiên ngày càng khan hiếm
Ngay trước khủng hoảng tài chính, chính nhu cầu không ngừng tăng cao đã đẩy các mặt hàng từ dầu mỏ cho tới thực phẩm lên cơn sốt giá. Thế nhưng, cuộc khủng hoảng hiện tại đã đảo lộn mọi thứ. Chẳng hạn, chỉ trong vòng sáu tháng, dầu thô đang từ mức trên dưới 140USD/thùng giảm đột ngột xuống còn 40USD/thùng.
Nhưng điều này không đồng nghĩa là nhu cầu với những mặt hàng này đã hạ nhiệt hay nguồn cung cho chúng đã thực sự dồi dào bởi trên thực tế, nguồn cung với những mặt hàng thiết yếu này vẫn bị thiếu hụt từng ngày nếu như các khoản đầu tư vào khai thác bị cuộc khủng hoảng kinh tế hiện giờ làm gián đoạn.
Tuỳ thuộc vào mức độ ảnh hưởng sâu và rộng của cuộc khủng hoảng, rất có thể vào khoảng giữa 2010 tới 2013, nguồn cung dầu mỏ sẽ lại không theo kịp cầu giống như giai đoạn 2007 (khi đó, sự khan hiếm đã đẩy giá dầu leo thang tới mức chóng mặt).
Trong khi đó, dưới sức ép của sự bùng nổ dân số toàn cầu, tốc độ công nghiệp hoá như vũ bão cùng những thay đổi đáng ngại của khí hậu toàn cầu, nước sạch dần trở thành một vấn đề nóng bỏng với mọi quốc gia. Từ nay đến 2030, gần như chắc chắn, một khu vực rộng lớn chiếm đến 85% dân số thế giới và 40% GDP toàn cầu sẽ phải vật lộn để có đủ nước sạch.
Trong tình thế hiện tại, các nhà chiến lược có nghĩa vụ phải hoạch định một kế hoạch ứng phó khi các nguồn tài nguyên bị lâm vào tình trạng sốt giá, biến động hay thậm chí là thiếu hụt. Chúng tôi tin chắc rằng trong những năm tới, chính hiệu quả trong sử dụng tài nguyên (kết quả thu được từ việc sử dụng mỗi đơn vị dầu, năng lượng, nước sạch… ) sẽ trở thành một trong những yếu tố chủ chốt quyết định tính cạnh tranh của doanh nghiệp.
* Nhận định: Xu thế này được cho là vững.
Theo Eric Beinhocker và Elizabeth Stephenson