Ngày làm việc kéo dài 8 tiếng, công việc hiệu quả hơn rất nhiều nếu biết sắp xếp mọi thứ một cách khoa học, hợp lý, không những thế, ngăn nắp cẩn thận, gọn gàng, khoa học… trong khi làm việc cũng làm cho các đồng nghiệp tôn trọng bạn hơn.
1. Lập kế hoạch cho công việc
Muốn làm việc một cách khoa học hiệu quả, bạn nhất định cần phải lập những kế hoạch cho công việc. Không những thế bạn còn phải có nhiều kế hoạch khác nhau phù hợp với thời gian, mục tiêu. Kế hoạch lớn dành cho những công việc mang tầm vĩ mô có thể kéo dài trong nhiều năm. Kế hoạch nhỏ hơn dành cho những công việc cụ thể trong tháng thậm chí là trong tuần.
Khi lập kế hoạch là bạn thể hiện những quyết tâm phấn đấu rèn luyện của mình, đồng thời dựa vào kế hoạch đã lập bạn có thể kiểm tra xem những việc đã hoàn thành, những tồn tại cần khắc phục giải quyết. Ngay cả những văn nghệ sỹ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cũng phải có kế hoạch làm việc cụ thể. Cách làm việc tùy tiện ngẫu hứng thường không đem lại hiệu quả.
2. Việc hôm nay chớ để ngày mai
Đừng bao giờ thỏa hiệp với bản thân. Việc hôm nay chớ để ngày mai. Nếu bạn thỏa hiệp một lần, lần sau đó bạn cũng sẽ dễ dàng buông xuôi. Do vậy công việc tồn đọng sẽ ngày càng nhiều, hứng thú làm việc của bạn cũng ngày càng cạn kiệt. Lúc ấy tính chây lười sẽ bao vây bạn, bạn trở nên thụ động thiếu sáng tạo năng động trong công việc. Đề cao nguyên tắc này cũng là cách bạn gây áp lực cho chính bản thân mình để làm việc hăng hái hơn. Khi bạn đã lập kế hoạch, hãy nỗ lực hết mình để hoàn thành nó.
3. Hình thành thói quen ngăn nắp khoa học
Bàn làm việc, tủ đựng tài liệu trong máy vi tính cần được sắp xếp một cách khoa học ngăn nắp. Nếu không có thói quen này, bạn sẽ mất rất nhiều thời gian vô ích để đi tìm một văn bản, một bản danh sách hay một tài liệu nào đó mà bạn không nhớ nổi mình đã cất ở đâu. Đến khi bạn lục tung tất cả để tìm thấy thì mọi thứ lại càng trở nên lộn xộn và ngày mai bạn lại có thể không tìm thấy một tài liệu khác mà mình cần.
Bàn làm việc, tủ tài liệu khi đã lộn xộn bừa bãi bạn cũng rất ngại dọn, nếu phải dọn, bạn cũng sẽ mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên nếu bạn có một ý thức làm việc khoa học, mọi thứ sẽ luôn ngăn nắp gọn gàng ngay sau khi bạn hoàn thành những công việc cụ thể.
4. Định kỳ tổng kết công việc
Để duy trì mọi thứ luôn khoa học đúng kế hoạch, bạn cần định kỳ tổng kết công việc của mình và giải quyết những vấn đề tồn đọng. Khi ấy, bạn rà soát lại mọi thứ, thống kê những mục tiêu đã hoàn thành, những việc còn tồn tại. Với những kế hoạch mà bạn cho là đúng, dù gặp khó khăn khách quan, bạn cũng cần phải kiên định lập trường thực hiện cho bằng được.
Tuy vậy bạn cũng không nên cứng nhắc mà phải linh hoạt. Khi thấy những điều kiện khách quan đã thay đổi, kế hoạch cũ không còn phù hợp, bạn có thể phải thay đổi nó cho phù hợp hơn với tình hình hiện tại, đem lại hiệu quả làm việc cao hơn. Những cuộc tổng kết này cũng là một hình thức tự làm mới bản thân mình, tìm một nguồn cảm hứng, một động lực làm việc mới.
5. Tận dụng tối đa thời gian
Những khoảng thời gian cuối buổi làm việc (trưa và chiều) nếu đã hoàn thành công việc trong ngày, bạn sẽ dễ dàng chấp nhận nghỉ ngơi một cách thoải mái. Tuy nhiên sẽ hiệu quả hơn rất nhiều nếu bạn biết tận dụng khoảng thời gian này để chuẩn bị những điều để cần thiết cho công việc sẽ diễn ra sau đó. Thông thường dù là bất kỳ công việc gì, cũng cần có sự chuẩn bị cần thiết. Phần việc này đôi khi chiếm khá nhiều thời gian. Chính vì vậy nếu biết tận dụng những khoảng thời gian trống của ngày hôm trước để chuẩn bị, chắc chắn sẽ có một ngày làm việc hiệu quả.
Theo Danong